Tổng Bí thư Tô Lâm phát
biểu tại phiên trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp thanh niên
Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2024-2029 vào tháng 12/2024.
Trong suốt tiến trình lịch
sử dựng nước và giữ nước, thanh niên - thế hệ trẻ luôn giữ vị trí quan trọng,
được ví như rường cột quyết định sự hưng thịnh của dân tộc. Trong mọi thời kỳ
cách mạng từ khi có Đảng lãnh đạo đến nay, thanh niên luôn là lực lượng tiên
phong, đóng vai trò nòng cốt, từ đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước
đến công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội. Có thể nói lịch sử của
Đảng ta từ khi ra đời đến nay luôn có dấu ấn, thể hiện rõ vai trò của các thế
hệ thanh niên ưu tú, xuất sắc của dân tộc. Các đồng chí Tổng Bí thư đầu tiên,
các nhà lãnh đạo tài ba của Đảng, các trí thức lớn của Việt Nam đều đã giữ các
cương vị trọng trách ngay từ khi còn đang tuổi thanh niên.
Trong giai đoạn mới hiện
nay, vai trò của lực lượng thanh niên càng trở nên quan trọng. Thanh niên là
trụ cột để đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới, là nguồn lực chủ yếu để
xây dựng và phát triển lực lượng sản xuất mới, đồng thời là đội ngũ tiên phong
tham gia các lĩnh vực mới. Thanh niên là chủ nhân tương lai của đất nước, là
nhân tố quan trọng trong xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ
giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam.
Thành
tựu và thách thức
Sự trưởng thành, bền vững,
thậm chí vận mệnh của đất nước phụ thuộc rất nhiều vào lực lượng thanh niên và
thế hệ trẻ. Trong các cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc chống đế quốc,
ngoại xâm giành độc lập, tự do, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ thiêng
liêng của Tổ quốc, hàng triệu triệu thanh niên đã dâng hiến tuổi thanh xuân "quyết
tử cho Tổ quốc quyết sinh". Lịch sử dân tộc mãi mãi khắc ghi lớp lớp thanh
niên ra trận "mà lòng phơi phới dậy tương lai" với tinh thần
"vững vàng hơn dãy Trường Sơn", "Chưa hết giặc là ta chưa
về". Trong chiến đấu, trong xây dựng và bảo vệ đất nước, chúng ta luôn
thấy hình bóng của "Thanh niên ba sẵn sàng", "Phụ nữ ba đảm
đang", "Năm xung phong", "Đâu cần thanh niên có, đâu khó có
thanh niên", "Thanh niên đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện
đại hóa đất nước" và "Thanh niên Việt Nam- Dám nghĩ, dám làm, dám
chịu trách nhiệm"... Những năm gần đây, thế hệ trẻ Việt Nam đã đạt được
nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực học thuật, thể thao và văn hóa,
góp phần khẳng định vị thế đất nước trên trường quốc tế. Thanh niên Việt Nam
liên tục giành được các giải thưởng uy tín trong các kỳ thi quốc tế về Toán
học, Vật lý, Hóa học, Tin học, sáng tạo khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật… Những
thành công này cho thấy trí tuệ và khả năng cạnh tranh mạnh mẽ của thanh niên
Việt Nam trong môi trường toàn cầu hóa. Trong lĩnh vực thể thao, thanh niên
cũng liên tục lập nên những dấu mốc đáng tự hào tại các giải đấu khu vực và thế
giới, thể hiện rõ sức mạnh thể chất và tinh thần thi đấu kiên cường.
Về văn hóa, thế hệ trẻ đã
và đang đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc
văn hóa dân tộc. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nhiều giá trị văn hóa truyền
thống của Việt Nam đã được quảng bá rộng rãi trên thế giới thông qua những nỗ
lực không ngừng của các bạn trẻ trong các hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế,
các chương trình văn hóa, nghệ thuật đa dạng và sáng tạo.
Tuy nhiên, bên cạnh những
thành tựu đó, chúng ta cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Chất
lượng nguồn nhân lực Việt Nam, dù đã được nâng cao, nhưng vẫn còn khoảng cách
khá xa so với các quốc gia phát triển, đặc biệt là ở khả năng sáng tạo, năng
suất lao động, kỹ năng thực hành và trình độ ngoại ngữ. Hiện Việt Nam đã nằm
trong nhóm 34 nền kinh tế lớn nhất thế giới, tuy nhiên, năng suất lao động của
ta hiện vẫn đứng thứ 117/181 nước/vùng lãnh thổ được thống kê, chỉ tương đương
11,4% so với Singapore, bằng 35,4% của Malaysia, chưa kể các quốc gia phát
triển khác.
Thanh niên là trụ cột để
đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới.
Trong những năm gần đây,
cùng với sự phát triển của nền kinh tế, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu
đáng kể trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống, giáo dục và y tế cho Nhân
dân. Tuy nhiên, khi xét đến thể chất, sức khỏe tổng thể và chiều cao trung bình
của thanh niên, vẫn tồn tại một khoảng cách rõ rệt so với các nước trong khu
vực và các nước phát triển trên thế giới. Chiều cao trung bình của nam giới ở
Việt Nam trong lần khảo sát gần nhất vào năm 2020 là 168,1cm, nữ giới là
156,2cm, thấp hơn so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật
Bản. Tuổi thọ của người Việt Nam hiện nay là 74,5 năm, thấp hơn 5-10 năm so với
Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở Việt Nam (19,6%) cũng
cao hơn nhiều so với các nước phát triển như Nhật Bản hay Singapore, cho thấy
vấn đề dinh dưỡng từ nhỏ vẫn ảnh hưởng lâu dài đến thể chất thanh niên. Trong
các cuộc thi đấu thể thao thành tích cao, Việt Nam có thể đạt thành tích tốt
trong các môn đòi hỏi kỹ năng nhưng khó cạnh tranh được ở các môn yêu cầu sức
mạnh và sức bền.
Một thách thức nữa là việc
Việt Nam hiện đang bước vào giai đoạn cuối của thời kỳ dân số vàng trong khi
hiện tượng già hóa dân số đang diễn ra với tốc độ rất nhanh. Năm 2011, tỷ lệ
người từ 60 tuổi trở lên chiếm trên 10% tổng dân số, đến năm 2022, tỷ lệ này đã
tăng lên khoảng 12,8%, tương đương khoảng 12,5 triệu người cao tuổi. Dự kiến
đến năm 2036, tỷ lệ người cao tuổi sẽ đạt 20%, đồng nghĩa với việc Việt Nam
bước vào giai đoạn dân số già. Khi dân số già đi, tỷ lệ người lao động giảm, số
người phụ thuộc tăng lên, dẫn tới gánh nặng tài chính ngày càng cao cho nhóm
dân số trong độ tuổi lao động. Hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe cũng sẽ chịu
áp lực ngày càng lớn khi nhu cầu chăm sóc người cao tuổi tăng cao. Đây là thách
thức lớn đối với việc hoạch định chiến lược phát triển bền vững để tận dụng
hiệu quả nguồn nhân lực trẻ trước khi bước vào giai đoạn dân số già.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa
đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam phải đối mặt
với nguy cơ mai một đáng kể. Hiện tượng giao lưu, hội nhập văn hóa trên quy mô
toàn cầu mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và xã hội nhưng cũng đồng thời tạo
ra những thách thức lớn trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa
truyền thống. Các xu hướng văn hóa ngoại lai, nếu không được tiếp nhận một cách
tỉnh táo và có chọn lọc, có thể làm lu mờ, thậm chí làm xói mòn những nét đẹp
vốn có của văn hóa dân tộc. Một trong những biểu hiện rõ ràng nhất của vấn đề
này chính là sự thay đổi trong lối sống và tư duy của giới trẻ. Nhiều thanh
niên ngày nay dễ dàng tiếp nhận những giá trị mới, hiện đại từ bên ngoài mà ít
quan tâm đến các giá trị truyền thống của dân tộc. Sự phổ biến của các phương
tiện truyền thông, mạng xã hội và giải trí quốc tế khiến cho nhiều người trẻ
ngày càng xa rời những giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc, như các loại hình
nghệ thuật truyền thống, lễ hội dân gian, ẩm thực truyền thống, và cả những giá
trị đạo đức, tinh thần đoàn kết cộng đồng vốn là nét đẹp riêng của người Việt.
Tệ nạn xã hội, tỷ lệ phạm tội trong giới trẻ ngày càng diễn biến phức tạp và
đang len lỏi vào đời sống của một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên, làm suy
yếu nòi giống của dân tộc.
Trong
một thế giới đầy biến động
Thế giới đang bước vào một
thời kỳ phát triển đột phá chưa từng có về công nghệ và khoa học, kỹ thuật. Sự
phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, dữ
liệu lớn và tự động hóa đang định hình mạnh mẽ, nhanh chóng cách thức làm việc,
sinh hoạt và giao tiếp toàn cầu. Điều này đòi hỏi mỗi quốc gia, trong đó có
Việt Nam, phải chuẩn bị kỹ lưỡng một thế hệ trẻ đáp ứng những tiêu chuẩn khắt
khe về nguồn nhân lực để hội nhập và phát triển bền vững.
Về mặt trí tuệ, thế hệ trẻ
Việt Nam ngày nay cần hơn bao giờ hết khả năng sáng tạo, tư duy phản biện và kỹ
năng xử lý nhanh chóng những thay đổi về công nghệ. Thanh niên phải được đào
tạo để trở thành những người tiên phong trong việc làm chủ công nghệ mới, có đủ
năng lực nghiên cứu, phát triển và ứng dụng những thành tựu tiên tiến nhất vào
thực tiễn. Đồng thời, thế hệ trẻ cần có tư duy toàn cầu, khả năng giao tiếp
quốc tế và kỹ năng ngoại ngữ vượt trội để chủ động hội nhập vào môi trường quốc
tế, cạnh tranh công bằng và hiệu quả với bạn bè thế giới.
Tuy nhiên, trí tuệ thôi là
chưa đủ. Thể chất khỏe mạnh và bản lĩnh vững vàng cũng là điều kiện không thể
thiếu để thế hệ trẻ có thể thích nghi và phát triển trong môi trường toàn cầu
cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Một thế hệ thanh niên khỏe mạnh về thể chất sẽ
đảm bảo nguồn lực lao động chất lượng cao, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và
bảo vệ đất nước. Do đó, giáo dục thể chất cần được chú trọng hơn nữa, kết hợp
với việc xây dựng hệ thống y tế cộng đồng và cơ sở vật chất thể thao hiện đại
nhằm cải thiện sức khỏe tổng thể và nâng cao tầm vóc người Việt Nam.
Trong quá trình hội nhập
quốc tế sâu rộng, thế hệ trẻ cũng cần được giáo dục, bồi dưỡng để luôn giữ gìn
và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Văn hóa đóng vai trò là nền tảng tinh thần
quan trọng trong quá trình phát triển toàn diện của thanh niên Việt Nam. Văn
hóa không chỉ giúp định hình bản sắc quốc gia mà còn là sức mạnh mềm quan
trọng, giúp Việt Nam khẳng định vị thế và hình ảnh trên trường quốc tế. Đồng
thời, phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần nhân văn sâu sắc và ý thức, trách nhiệm
xã hội cao phải được bồi dưỡng thường xuyên, nhằm xây dựng một thế hệ trẻ có đủ
năng lực và nhân cách để đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của xã hội
và thế giới.
Thực tế cho thấy, các nước
phát triển, các cường quốc thế giới và khu vực đều ưu tiên phát triển giáo dục
toàn diện, tăng cường thể chất và bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc để tạo ra
nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Chúng ta
cần học tập và áp dụng linh hoạt những bài học quốc tế này để xây dựng một thế
hệ thanh niên xuất sắc, đảm bảo đất nước vững bước phát triển trong kỷ nguyên
mới.
Trước
vận hội mới của đất nước
Sau 80 năm lập nước và 50
năm hoàn toàn thống nhất đất nước và gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới,
đất nước ta đang bước vào giai đoạn có tính đột phá trong phát triển, mở ra
những cơ hội nhưng đồng thời cũng đang đứng trước những thách thức chưa từng
có. Đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, đối diện với
những biến đổi mạnh mẽ từ những đột phá về khoa học công nghệ và những biến
động toàn cầu.
Hướng tới năm 2045, dấu mốc
trọng đại kỷ niệm 100 năm thành lập nước, chúng ta đặt ra mục tiêu chiến lược
là phải trở thành một nước phát triển, có thu nhập cao. Để đạt được điều đó,
Việt Nam cần có một thế hệ trẻ không chỉ xuất sắc về trí tuệ mà còn vượt trội
về thể chất, giàu bản sắc văn hóa, đủ khả năng cạnh tranh và sánh vai với các
cường quốc năm châu, khẳng định vị thế đất nước trên trường quốc tế.
Quan điểm nhất quán của
Đảng và Nhà nước ta là lấy con người làm nền tảng cho sự phát triển bền vững,
vì con người vừa là mục đích cuối cùng, vừa là động lực chính thúc đẩy sự phát
triển xã hội. Và, phát triển kinh tế- xã hội phải hướng tới mục tiêu thỏa mãn
nhu cầu tinh thần và vật chất ngày càng cao hơn của nhân dân. Phát triển con
người trở thành vấn đề trọng tâm và mang tính chiến lược quyết định sự thành
công của đất nước. Vì vậy, công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc,
là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, là nhiệm vụ
quan trọng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đầu tư và phát triển thế
hệ trẻ trở thành ưu tiên chiến lược hàng đầu trong giai đoạn mới. Xây dựng và
nuôi dưỡng một thế hệ thanh niên mạnh mẽ, trí tuệ và văn minh chính là nền tảng
vững chắc để Việt Nam không ngừng vươn lên, trở thành quốc gia phát triển, biểu
tượng của khát vọng, sức mạnh và ý chí dân tộc.
Định
hướng phát triển con người mới hướng tới năm 2045
Khoảng thời gian từ 2025
đến 2045 chỉ còn đúng 20 năm. Những em bé được sinh ra trong quãng thời gian
này sẽ là lớp thanh - thiếu niên của thế hệ mới, là chủ nhân tương lai của đất
nước Việt Nam phát triển hưng thịnh. Để hướng tới năm 2045 với tầm nhìn về một
Việt Nam phát triển toàn diện, việc định hướng phát triển con người, đặc biệt
là thế hệ trẻ, trở thành ưu tiên chiến lược. Trước hết, cần đầu tư mạnh mẽ vào
giáo dục và đào tạo nhằm phát triển trí tuệ và tri thức. Hệ thống giáo dục phải
được đổi mới sâu rộng, tập trung phát triển các kỹ năng sáng tạo, STEM (khoa
học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), ngoại ngữ, kỹ năng số và công nghệ hiện
đại. Giáo dục trí tuệ cần đi đôi với giáo dục văn hóa, đạo đức và thẩm mỹ để
hình thành những cá nhân toàn diện. Đồng thời, việc thúc đẩy tinh thần tự học,
học tập suốt đời, xây dựng một xã hội học tập toàn diện cũng là nhiệm vụ then
chốt. Để xây dựng lực lượng tinh hoa, chúng ta cũng cần có các chính sách đặc
biệt để thu hút nhân tài trẻ trở về từ nước ngoài, xây dựng đội ngũ nhân lực có
khả năng cạnh tranh toàn cầu.
Song song với giáo dục trí
tuệ là chiến lược nâng cao sức khỏe và thể chất của người Việt. Cần khuyến
khích phát triển thể thao học đường một cách bài bản và hiệu quả nhằm nâng cao
tầm vóc người Việt Nam. Chúng ta cần đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2045 là chiều
cao trung bình của thanh niên Việt Nam phải đạt một mức nào đó ngang bằng với
các nước phát triển trong khu vực. Để hiện thực hóa mục tiêu này, việc đẩy mạnh
chăm sóc sức khỏe toàn dân và xây dựng các cơ sở hạ tầng thể thao hiện đại trở
thành yêu cầu cấp thiết. Chúng ta cũng cần đặt mục tiêu tăng số lượng vận động
viên thể thao thành tích cao, hướng tới giành huy chương tại các giải đấu lớn
như ASIAD và Olympic, không chỉ ở các môn đòi hỏi kỹ năng mà cả các môn đòi hỏi
thể lực, sức mạnh vượt trội.
Văn hóa là yếu tố không thể
thiếu trong chiến lược phát triển con người. Chúng ta cần tiếp tục đầu tư bảo
tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, nghệ thuật, đồng thời đổi mới và
hiện đại hóa để phù hợp với thời đại. Mục tiêu là xây dựng con người Việt Nam
giàu bản sắc dân tộc: yêu nước, nhân ái, sáng tạo, hội nhập mà không hòa tan.
Việc thúc đẩy công nghiệp văn hóa, đưa văn hóa trở thành một động lực kinh tế
và sức mạnh mềm quốc gia cũng cần được chú trọng.
Trong chiến lược phát triển
dân số, chúng ta cần duy trì cơ cấu dân số hợp lý, tận dụng hiệu quả giai đoạn
dân số vàng hiện nay trước khi bước vào thời kỳ dân số già. Chất lượng dân số
cần được cải thiện thông qua các chương trình sức khỏe, dinh dưỡng và giáo dục
toàn diện. Chính sách hỗ trợ các gia đình trẻ, khuyến khích mức sinh thay thế
và chăm sóc sức khỏe toàn diện cho trẻ em cần được thực hiện đồng bộ.
Việc bồi dưỡng phẩm chất
đạo đức, lý tưởng và khát vọng cống hiến trong thanh niên trở nên đặc biệt quan
trọng. Chúng ta cần tạo môi trường để giới trẻ tham gia tích cực vào các lĩnh
vực chuyển đổi số, kinh tế xanh và các dự án văn hóa quốc gia, đồng thời khuyến
khích thanh niên hội nhập quốc tế sâu rộng. Qua đó, thanh niên không chỉ tiếp
thu tinh hoa thế giới mà còn lan tỏa những giá trị văn hóa đặc sắc của Việt Nam
ra quốc tế.
Để hiện thực hóa các mục
tiêu lớn này, Đảng và Nhà nước sẽ đầu tư mạnh mẽ và toàn diện nguồn lực nhằm
tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của thế hệ trẻ, đặc biệt là "Thế
hệ vươn mình". Giáo dục, đào tạo, thể thao, văn hóa và chính sách dân số
sẽ là những trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong chiến lược quốc gia. Mỗi chính
sách, mỗi chương trình hành động đều hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng
cuộc sống và năng lực cạnh tranh quốc tế của thế hệ trẻ Việt Nam. Đảng và Nhà
nước sẽ tiếp tục xây dựng, triển khai các cơ chế, chính sách tạo môi trường và
điều kiện thuận lợi để thanh niên phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa về
đức - trí - thể - mỹ.
Cần nghiên cứu, xây dựng
các nhóm chính sách đặc thù, phù hợp nhằm phát huy vai trò tiên phong của thanh
niên trong lao động sản xuất, tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đi đầu
trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số quốc gia, khởi nghiệp,
đổi mới sáng tạo; tích cực tham gia thực hiện các công trình, dự án phát triển
kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và hội nhập quốc tế.
Đồng thời, cần tăng cường
các giải pháp xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao; rà soát, sửa đổi và
bổ sung các chính sách trọng điểm quốc gia dành cho tài năng trẻ; có những
chính sách đột phá về học tập, phân luồng hướng nghiệp, đào tạo nghề, việc làm,
nhà ở, các thiết chế văn hóa, thể thao cho thanh, thiếu niên. Cần xác định
những giải pháp cụ thể nhằm phòng ngừa, chống và giảm tỷ lệ tội phạm trong
thanh niên; triển khai đồng bộ bộ chỉ số thống kê về thanh niên; xây dựng bộ
tiêu chí vì sự phát triển thanh niên Việt Nam cấp tỉnh.
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ
Chí Minh cần tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả, nội dung,
phương pháp hoạt động theo hướng gắn với mục tiêu phát triển của địa phương,
đất nước, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; coi trọng chiều
sâu, hiệu quả thiết thực, bảo đảm tiếp cận sâu, rộng tới mọi tầng lớp thanh,
thiếu niên. Tổ chức Đoàn cần phát huy tinh thần cống hiến, vai trò xung kích
của thanh niên trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh,
hội nhập quốc tế; phát triển khoa học công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo,
chuyển đổi số; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan
điểm sai trái, thù địch; tham gia phòng, chống, giảm tỷ lệ tội phạm trong
thanh, thiếu niên.
Bên cạnh sự hỗ trợ từ Đảng
và Nhà nước và các tổ chức chính trị-xã hội, sự đồng hành, hợp tác từ gia đình,
nhà trường và cộng đồng doanh nghiệp là yếu tố then chốt, không thể thiếu trong
hành trình phát triển của thanh niên. Gia đình giữ vai trò nền tảng, nhà trường
là nơi rèn luyện trí tuệ và nhân cách, còn các tổ chức, doanh nghiệp sẽ là môi
trường lý tưởng để các bạn trẻ thể hiện năng lực sáng tạo, rèn luyện kỹ năng và
tích lũy kinh nghiệm thực tế.
Hơn hết, chính thanh niên
mới là lực lượng quyết định thành công của các mục tiêu, tầm nhìn này. Mọi
thanh niên Việt Nam cần chủ động học tập, rèn luyện và không ngừng phấn đấu để
khẳng định bản thân. Thế hệ trẻ cần tự tin bước ra thế giới, mang theo hành
trang là tri thức sâu rộng, thể chất khỏe mạnh và tâm hồn giàu bản sắc văn hóa
Việt Nam, đồng thời, phải rèn luyện bản thân trở thành những công dân toàn cầu
mang hồn Việt, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Với tầm
nhìn đó, dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước sẽ là cột mốc quan trọng mà
đất nước ta hướng tới với niềm tự hào và kỳ vọng. Trên chặng đường 20 năm tiếp
theo hướng tới cột mốc đó, chúng ta cùng chia sẻ chung một khát vọng: xây dựng
thế hệ thanh niên Việt Nam bản lĩnh, tiến bộ, xuất sắc về trí tuệ, vượt trội về
thể chất và đậm đà bản sắc văn hóa, đủ sức tự tin sánh vai cùng bạn bè quốc tế,
góp phần đưa đất nước vươn tới hùng cường và phát triển./.