Tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An quý I năm 2025
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 3/2025 so với cùng kỳ
Năm 2025 là
năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được xác định là năm tăng tốc, bứt phá, về
đích, là năm cuối để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện
cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc
lần thứ XIV của Đảng và củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để cùng cả
nước bước vào kỷ nguyên mới. Do đó, căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày
08/01/2025 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát
triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, UBND tỉnh Nghệ
An đã ban hành Quyết định số 112/QĐ-UBND ngày 18/01/2025 về nhiệm vụ, giải pháp
chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, gồm
06 nội dung trọng tâm chỉ đạo, điều hành, 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
và 177 nhiệm vụ cụ thể được giao cho các sở, ngành; đồng thời, xây dựng kịch
bản tăng trưởng năm 2025 theo từng quý và cả năm; thành lập 05 Tổ công tác để chỉ
đạo, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực nhằm thúc đẩy việc thực hiện kế hoạch, triển
khai nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm với tinh thần và quyết
tâm cao nhất.
Trong quý
I/2025, các sở, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy
mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực, nhất là sản
xuất trong lĩnh vực công nghiệp đúng theo kịch bản tăng trưởng; song hành, tháo
gỡ khó khăn, vướng mắc cùng doanh nghiệp; tập trung cao độ công tác thu hút đầu
tư ngay từ đầu năm.
Sản xuất công
nghiệp 3 tháng đầu năm 2025 trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn gặp nhiều khó khăn,
thách thức do nền kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, đặc biệt là
khả năng trỗi dậy mạnh mẽ trở lại của xu hướng phi toàn cầu hoá, bảo hộ mậu
dịch, chiến tranh thương mại và căng thẳng địa chính trị mới. Tuy nhiên, ở
trong nước cũng như trong tỉnh các ngành công nghiệp có nhiều cơ hội hơn từ
việc đón nhận các dòng vốn đầu tư nước ngoài mới cùng những dự án lớn trong các
dự án trọng điểm, đặc biệt là các ngành công nghệ cao như bán dẫn, năng lượng
tái tạo, đường sắt tốc độ cao. Đặc biệt nhờ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy
đảng, chính quyền, tăng cường sự phối hợp với các sở ngành nỗ lực kịp thời hỗ
trợ doanh nghiệp, đặc biệt là sự sáng tạo, linh hoạt, chủ động của doanh nghiệp
nên tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì, ổn định và
tiếp tục tăng trưởng. Một số dự án lớn về hạ tầng KCN khởi công, thu hút đầu tư
tiếp tục có nhiều khởi sắc, các dự án FDI quy mô lớn dự kiến sẽ hoàn thành và
đi vào hoạt động trong năm như: Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Luxshare
Tech; Luxvisions innovation, phụ tùng ô tô của Công ty TNHH Công nghệ Everwin
Precision giai đoạn 1, Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử và thiết bị chính xác
Goetek, Dự án sản xuất linh kiện điện tử và phụ tùng ô tô Juteng, Dự án sản
xuất và gia công giày dép xuất khẩu Huali, Dự án sản xuất hợp kim nhôm của Công
ty TNHH Innovation Precision Việt Nam, Dự án Nhà máy khoa học kỹ thuật kim loại
Tân Việt sản xuất thép tấm, thép không gỉ công suất 260.000 tấn/năm,…; các nhà
máy thủy điện (Suối Choang 4MW, Bản Mồng 45MW, Châu Thôn 29,8MW);…
Mặc dù tình
hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn do xung đột giữa Nga - Ukraine, Hamas
- Israel, xung đột Biển Đỏ, dịch bệnh, đang trong giai đoạn dần phục hồi nhưng
bấp bênh, không đồng đều giữa các quốc gia, đối mặt với nhiều rủi ro, bất định,
tuy nhiên tình hình sản xuất trong nước và trong tỉnh Nghệ An vẫn có xu hướng
tăng trưởng ổn định. Động lực cho sự tăng trưởng vẫn là các chính sách vĩ mô
của Chính phủ, tạo tiền đề để các doanh nghiệp tập trung tìm kiếm nguồn lực đẩy
mạnh sản xuất, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp. Các
doanh nghiệp có đơn hàng ổn định cả tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nên đã có
kế hoạch tập trung, chủ động, sáng tạo đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo mục tiêu tăng
trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ cao
từ công ty mẹ về tìm kiếm đơn hàng, vốn lưu động,… nên vẫn duy trì được tốc độ
tăng trưởng tốt. Những dự án mới với sản phẩm đã sản xuất ổn định, góp phần vào
mức tăng trưởng chung của tỉnh... Bên cạnh đó một số sản phẩm đang vào vụ sản
xuất như Sữa tươi, Đường,… cũng có tác động tích cực đến kết quả sản xuất. Mặt
khác do ảnh hưởng những khó khăn chung của tình hình thế giới vẫn tác động tiêu
cực đến sản xuất trong nước, còn không ít doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh
hưởng tiêu cực từ tình hình kinh tế thế giới suy giảm, chiến tranh xung đột vẫn
tiếp diễn, khủng hoảng năng lượng chưa thể giải quyết dẫn đến những tác động
như: một số ngành giảm sản lượng sản xuất do tiêu thụ sản phẩm chậm, nhu cầu
thị trường thấp, đơn đặt hàng giảm; nguyên vật liệu, năng lượng đầu vào cho sản
xuất nhập khẩu giá tăng cao dẫn đến chi phí sản xuất cao, sản phẩm tồn kho
nhiều nên giảm sản xuất; chi phí vay vốn cao, thiếu vốn lưu động; một số doanh
nghiệp không tuyển được lao động, không thu hút được công nhân có tay nghề đáp
ứng nhu cầu sản xuất, không thu hút được lao động giỏi,… Một số doanh nghiệp
công nhân phải cắt giảm lao động thời vụ do ít đơn hàng hoặc không có đơn hàng
nên năng suất lao động, thu nhập giảm.
Chỉ số
sản xuất công nghiệp tháng 3/2025 và quý I/2025 so với cùng kỳ
So với tháng
3/2024, chỉ sản xuất ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An tăng 13,45%.
Nguyên nhân tăng chủ yếu do ngay từ đầu năm được sự quan tâm chỉ đạo của UBND
tỉnh nhằm hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội quý I năm 2025, các doanh
nghiệp tiếp tục đà sản xuất những tháng cuối năm 2024, gia tăng sản xuất phục
vụ nhu cầu tiêu dùng sau Tết Nguyên đán. Năm 2025, nền kinh tế chung của tỉnh
có sự phục hồi mạnh mẽ do các doanh nghiệp nỗ lực khôi phục đẩy mạnh, mở rộng
sản xuất, một số doanh nghiệp đã có những đơn hàng xuất khẩu đầu năm, nhiều dự
án mới đi vào hoạt động đem lại hiệu quả cao góp phần vào mục tiêu tăng trưởng
kinh tế của tỉnh. Tình hình sản xuất của các ngành công nghiệp cụ thể như sau:
- Chỉ số sản
xuất ngành công nghiệp khai khoáng ước đạt 165,58% so với cùng kỳ. Nguyên nhân
tăng chủ yếu do các doanh nghiệp có nhiều đơn hàng mới, tăng hàng xuất khẩu so
với cùng kỳ như Doanh nghiệp tư nhân Long Anh; Công ty Cổ phần An Lộc;… Bên
cạnh đó, năm nay một số nhà máy xi măng như Sông Lam 2, Tân Thắng trực tiếp sản
xuất Clanhke xi măng nên nguồn khai thác nguyên liệu đá tăng mạnh trong khi cùng
kỳ các nhà máy chủ yếu mua ngoài clanhke vì giá thành rẻ hơn nên sản lượng khai
thác đá ít. Cụ thể sản phẩm Đá xây dựng ước đạt 681,4 nghìn m3, gấp
3,1 lần; bên cạnh đó sản phẩm Đá chế biến ước đạt 78,3 nghìn m3,
giảm 23,68% so với cùng kỳ;...
- Chỉ số sản
xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt 111,54% so với cùng kỳ. Tranh
thủ các điều kiện thuận lợi trong nước cũng như trong tỉnh đầu năm, doanh
nghiệp đã đẩy mạnh tái sản xuất, mở rộng quy mô kinh doanh; tháng 3/2025 công
nghiệp tiếp tục đà phục hồi, tái sản xuất, phát triển nhanh với nhiều điểm
sáng, đặc biệt nổi bật là các chính sách kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm
phát được kiểm soát đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất. Các cấp, các ngành,
các địa phương đã bám sát tình hình biến động của thế giới và trong nước để có
những giải pháp ứng phó linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp thực tiễn đã tạo
đà cho các doanh nghiệp phục hồi và mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, một số nhà
máy mới sau thời gian chạy thử đã có sản phẩm thương mại ổn định, nhiều dự án
mới được triển khai đi vào hoạt động đóng góp cho tăng trưởng nền kinh tế tỉnh
nhà như linh kiện điện tử, linh kiện phụ tùng ô tô, modun pin năng lượng mặt
trời; giày da; tấm bán dẫn bằng silic; vỏ camera;… Tháng 3/2025 nhiều doanh
nghiệp dự kiến tăng sản lượng sản xuất do có các đơn hàng xuất khẩu, một số sản
phẩm sản xuất tăng trưởng khá so với cùng kỳ như: Nước mắm ước đạt 27,6 triệu
lít, gấp 2,2 lần; Phân bón hóa học NPK ước đạt 2,6 nghìn tấn, tăng 90,91%; Bia
đóng lon ước đạt 8,8 triệu lít, tăng 49,51%; Ống nhựa Tiền Phong ước đạt 1,4
nghìn tấn, tăng 20,51%; Đốc sạc ước đạt 1,6 triệu cái, tăng 17,72%; Ống thép
Hoa Sen ước đạt 4,0 nghìn tấn, tăng 16,38%; Đường ước đạt 34,6 nghìn tấn, tăng
8,53%; Tai nghe không nối với micro ước đạt 4,0 triệu cái, tăng 8,03%;…
Bên cạnh những
thuận lợi, tình hình sản xuất của một số doanh nghiệp còn gặp khó khăn, xuất
khẩu giảm, không tìm kiếm được đơn hàng, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao,
một số nhà máy không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu, thị trường tiêu thụ
chậm do ảnh hưởng của thời tiết, thiếu nguyên liệu hoặc về chậm so với kế
hoạch, sản phẩm sản xuất ra khó tiêu thụ, một số đơn vị cấp hàng phá sản, đối
tác ngừng đơn; nhiều đơn hàng cũ bị cắt giảm do thay đổi công nghệ sản phẩm;...
một số doanh nghiệp công nhân nghỉ luân phiên do ít đơn hàng làm xáo trộn tình
hình sản xuất nên không đạt sản lượng, doanh thu theo kế hoạch như: Sợi ước đạt
540 tấn, giảm 49,49%; Bao bì bằng giấy ước đạt 3,9 triệu chiếc, giảm 31,03%;
Loa BSE ước đạt 3,5 triệu cái, giảm 30,30%; Bia đóng chai ước đạt 2,1 triệu
lít, giảm 15,13%; Thùng carton ước đạt 1,8 triệu chiếc, giảm 10,34%; Thức ăn
gia súc ước đạt 14,4 nghìn tấn, giảm 5,51%; Quần áo không dệt kim ước đạt 7,3
triệu cái, giảm 2,95%;…
- Chỉ số sản
xuất ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa
không khí ước đạt 18,09% so với cùng kỳ. Nguyên nhân tăng chủ yếu do cùng kỳ
năm trước thời tiết khô hạn, mưa ít, lưu lượng nước dự trữ tại các hồ chứa thấp
nên các nhà máy chỉ hoạt động theo kế hoạch phân bổ của Trung tâm điều phối
điện quốc gia, trong khi năm nay mùa mưa kéo dài hơn, nên lượng nước dồi dào,
các nhà máy thuỷ điện sản xuất khối lượng lớn. Bên cạnh đó, năm nay nhà máy
thủy điện Châu Thôn bắt đầu đi vào hoạt động với công suất 29,8MW. Sản phẩm
Điện sản xuất trong tháng ước đạt 190,5 triệu KWh, tăng 25,83%; Điện thương
phẩm ước đạt 372,7 triệu KWh, tăng 5,03% so với cùng kỳ.
- Chỉ số sản
xuất ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý nước thải, rác thải ước đạt 112,69%
so với cùng kỳ. Cụ thể sản phẩm Nước máy ước đạt 3,0 triệu m3, tăng
10,15%; Dịch vụ làm sạch bể phốt và bể chứa ước đạt 186,1 triệu đồng, giảm
47,92%; Dịch vụ thu gom rác thải ước đạt 14,7 tỷ đồng, tăng 18,92%.
Tính chung 3
tháng đầu năm 2025, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,74% so với cùng kỳ năm
trước. Cụ thể chỉ số sản xuất các ngành như sau:
- Chỉ số sản
xuất ngành công nghiệp khai khoáng ước tăng 120,62% so với cùng kỳ. Đóng góp
trong mức tăng trưởng của ngành chủ yếu là khu vực doanh nghiệp, khu vực cá thể
quy mô nhỏ lẻ, không ổn định. Cụ thể một số sản phẩm như: Đá xây dựng khác ước
đạt 1,4 triệu m3, tăng 45,95%; Đá chế biến ước đạt 228,5 nghìn m3,
giảm 16,95% so với cùng kỳ.
- Chỉ số sản
xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 10,41% so với cùng kỳ. Chỉ số
sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng do một số nhà máy đầu năm ký
kết được các đơn hàng mới, tăng hàng xuất khẩu, một số sản phẩm đã tìm được thị
trường tiêu thụ nên sản xuất ổn định hơn; các dự án mới đầu tư như vỏ camera,
hàng may mặc, mũ giày da xuất khẩu, linh kiện điện tử đi vào hoạt động,...
Trong 3 tháng đầu năm 2025 một số sản phẩm tăng như: Micro ước đạt 58,7 triệu
cái, gấp 11,7 lần; Tai nghe không nối với micro ước đạt 12,1 triệu cái, tăng
42,68%; Đốc sạc ước đạt 4,2 triệu cái, tăng 42,58%; Sữa chua ước đạt 11,5 nghìn
tấn, tăng 25,76%; Clanhke xi măng ước đạt 1,9 triệu tấn, tăng 21,40%; Bia đóng
lon ước đạt 25,5 triệu lít, tăng 15,48%; Vỏ hộp lon bia ước đạt 1,9 nghìn tấn,
tăng 13,13%; Sữa tươi ước đạt 91,0 triệu lít, tăng 6,82%; Đường ước đạt 95,0
nghìn tấn, tăng 2,34%; Dịch vụ sản xuất dây cáp điện khác ước đạt 1.938,8 tỷ
đồng, tăng 1,81%;…
Bên cạnh những
điểm sáng tích cực nêu trên, ngành công nghiệp chế biến chế tạo có một số ngành
giảm mạnh như: chỉ số sản xuất ngành dệt giảm 26,35%; ngành sản xuất giấy và
sản phẩm từ giấy giảm 17,73%; ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm
5,61%; ngành sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 4,35%;… Vẫn còn không ít
những doanh nghiệp, nhà máy gặp khó khăn, thách thức, khó khôi phục được sản
xuất do ảnh hưởng của tình hình thế giới, trong nước và trong tỉnh nên một số
sản phẩm có mức tăng trưởng thấp và giảm do gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ
trong nước cũng như quốc tế, đơn hàng xuất khẩu giảm, sản phẩm tồn kho lớn, chi
phí sản xuất tăng cao nên các nhà máy hạn chế sản xuất để tiêu thụ sản phẩm
như: Bia đóng chai ước đạt 5,7 triệu lít, giảm 28,70%; Loa BSE ước đạt 8,8
triệu cái, giảm 27,23%; Sợi ước đạt 1,4 nghìn tấn, giảm 26,35%; Bao bì bằng
giấy ước đạt 10,4 triệu chiếc, giảm 20,46%; Ống nhựa Tiền Phong ước đạt 3,5
nghìn tấn, giảm 7,74%; Ống thép Hoa Sen ước đạt 9,1 nghìn tấn, giảm 6,52%; Nước
mắm ước đạt 64,9 triệu lít, giảm 3,91%; Quần áo không dệt kim ước đạt 20,8
triệu cái, giảm 2,75%; Thùng carton ước đạt 5,6 triệu chiếc, giảm 1,82%; …
- Chỉ số sản
xuất ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa
không khí ước đạt 110,09% so với cùng kỳ. Điện sản xuất ước đạt 586,3 triệu
KWh, tăng 14,51%; Điện thương phẩm ước đạt 1.113,9 triệu KWh, tăng 3,71% so với
cùng kỳ.
- Chỉ số sản
xuất ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý nước thải, rác thải ước tăng 12,25%
so với cùng kỳ. Cụ thể sản phẩm Nước máy ước đạt 9,2 triệu m3, tăng
9,64%; Dịch vụ làm sạch bể phốt và bể chứa ước đạt 628,1 triệu đồng, giảm
42,20%; Dịch vụ thu gom rác thải ước đạt 43,4 tỷ đồng, tăng 18,7%.
Tốc độ
tăng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I năm 2025 so với cùng kỳ

Một số hình
ảnh cúa Công ty TNHH Luxshare ICT:
Khu vực nhà xưởng sản xuất linh kiện điện tử
của Công ty TNHH Luxshare ICT (Ảnh: Quốc Việt)
Dự án Nhà máy sản xuất
linh kiện điện tử của Công ty TNHH Luxshare ICT (Ảnh: Công ty cung cấp)