NGHỆ AN SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2025 KHỞI SẮC, TẠO ĐÀ TĂNG TRƯỞNG CUỐI NĂM
Trong bối cảnh kinh
tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều biến động và thách thức, sản xuất công
nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An 6 tháng đầu năm 2025 vẫn ghi nhận những kết
quả khả quan, khẳng định vai trò động lực tăng trưởng kinh tế địa phương. Theo báo
cáo của Chi cục Thống kê Nghệ An, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP)
tăng 14,67% so với cùng kỳ năm 2024, với nhiều ngành ghi nhận mức tăng cao, đặc
biệt là nhóm ngành chế biến, chế tạo và sản xuất, phân phối điện.
Nỗ lực đồng bộ – kết
quả rõ nét
Ngay từ đầu năm, thực
hiện Nghị quyết số 25/NQ-CP, ngày 05/02/2025 của Chính phủ Về mục tiêu tăng trưởng các ngành,
lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở
lên và chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ
An đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ phục hồi sản xuất, tháo gỡ
khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy đầu tư công. Tổ công tác chuyên trách
lĩnh vực công nghiệp được kiện toàn, thường xuyên nắm bắt thực tiễn, đồng hành
cùng doanh nghiệp, đặc biệt tại các khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm.
Nhờ đó, môi trường
sản xuất, kinh doanh trên địa bàn từng bước được cải thiện, niềm tin thị trường
được củng cố, thu hút đầu tư tăng trưởng mạnh. Các dự án FDI lớn như Luxshare
ICT, Sunny Optical, Runergy, Goertek Vina… lần lượt đi vào hoạt động, đóng góp
trực tiếp vào tăng trưởng sản xuất và tạo thêm hàng chục nghìn việc làm cho lao
động địa phương.
Chỉ số IIP 6
tháng 2025 so với cùng kỳ năm trước
Ngành chế biến, chế
tạo giữ vai trò chủ lực
Chỉ số sản xuất ngành
chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm tăng 13,55% so với cùng kỳ năm trước. Một số sản
phẩm đạt mức tăng trưởng đột phá, điển hình là sản xuất micrô tăng gấp 5,5 lần;
tai nghe không dây tăng gần 44%; đốc sạc tăng trên 32%; dây, cáp điện tăng 22%;
đường, sữa chua, clanhke xi măng,… đều đạt mức tăng từ 15–25%.
Điểm đáng chú ý là
nhiều doanh nghiệp đã chủ động mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng các ưu
đãi thương mại và được hỗ trợ tìm kiếm đơn hàng từ công ty mẹ. Một số nhà máy
mới vận hành ổn định, sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, mở ra dư địa phát
triển lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, trong nội tại
ngành chế biến, chế tạo vẫn tồn tại sự phân hóa. Một số ngành hàng chịu tác
động trực tiếp từ suy giảm nhu cầu và giá nguyên vật liệu đầu vào tăng như sợi
(-40,34%), nước mắm (-28,21%), bia đóng chai (-19,48%), thùng carton (-12,08%)…
Đây là dấu hiệu cảnh báo về tính bền vững của tăng trưởng, đòi hỏi chiến lược
tái cơ cấu ngành hàng và tăng cường năng lực thích ứng.
Năng lượng và khai
khoáng tăng trưởng ấn tượng
Ngành sản xuất và
phân phối điện, khí đốt, nước nóng đạt mức tăng 26,83%, cao nhất trong toàn
ngành công nghiệp. Sản lượng điện sản xuất đạt hơn 1.594 triệu kWh, tăng 41,96%
nhờ điều kiện thủy văn thuận lợi và sự vận hành ổn định của các nhà máy thủy
điện, đặc biệt là nhà máy Châu Thôn.
Ngành khai khoáng
tăng 17,86% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ các nhà máy xi măng lớn tăng công suất
sản xuất clanhke, kéo theo nhu cầu nguyên liệu đá xây dựng tăng cao.
Ngành cung cấp nước,
xử lý nước thải và rác thải cũng ghi nhận mức tăng 10,64%, đáp ứng tốt nhu cầu
dân sinh trong mùa khô, đồng thời cải thiện chất lượng dịch vụ đô thị.
Doanh nghiệp phục
hồi, lao động gia tăng
Ước tính đến hết
tháng 6/2025, Nghệ An có 1.454 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 42,69% so với
cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 424 đơn vị, dù số
doanh nghiệp tạm ngừng và giải thể vẫn tăng, phản ánh sự thanh lọc tất yếu
trong nền kinh tế.
Chỉ số sử dụng lao
động toàn ngành công nghiệp đạt 110,13% so với cùng kỳ. Đặc biệt, một số ngành
có mức tăng lao động cao như: sản xuất điện tử, quang học (+76,58%), thiết bị
điện (+25,11%), kim loại (+15%). Ngược lại, các ngành gặp khó như dệt, chế biến
gỗ, sản xuất giấy ghi nhận xu hướng cắt giảm lao động, một phần do thu hẹp sản
xuất hoặc thiếu đơn hàng.
Triển vọng và định
hướng cuối năm
Khảo sát xu hướng sản
xuất kinh doanh cho thấy, 34,41% doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo đánh giá
quý II/2025 tốt hơn quý I và 32,26% kỳ vọng quý III tiếp tục khởi sắc. Các
doanh nghiệp kiến nghị cần tiếp tục tháo gỡ các điểm nghẽn về hạ tầng, đất đai,
thủ tục đầu tư và tín dụng.
Trong 6 tháng cuối
năm, Nghệ An sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm:
- Tăng tốc giải ngân
đầu tư công, đặc biệt là hạ tầng KCN, cảng biển, logistics.
- Đẩy nhanh tiến độ
các dự án FDI, nhất là trong khu kinh tế Đông Nam.
- Rà soát, hoàn thiện
chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Phát triển công
nghiệp hỗ trợ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm.
- Ưu tiên phát triển
công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, gắn với quy hoạch tỉnh đến 2030,
tầm nhìn 2050.
Trong bức tranh tổng
thể của nền kinh tế địa phương, sản xuất công nghiệp Nghệ An đang thể hiện vai
trò trụ cột, là nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững. Với động lực từ các
dự án trọng điểm, sự phục hồi của doanh nghiệp và chính sách điều hành hiệu
quả, ngành công nghiệp tỉnh nhà được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ,
đóng góp quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn
2021–2025 và xa hơn là chiến lược đến năm 2030.