image banner
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 năm 2024 trên địa bàn tỉnh Nghệ An

6 tháng đầu năm đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, các chính sách an sinh, xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Các chương trình giảm nghèo, cho vay vốn phát triển sản xuất được triển khai đến từng hộ gia đình tạo vốn sản xuất, việc làm, tăng thu nhập, từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân; công tác xuất khẩu lao động được chú trọng triển khai thực hiện. Kinh tế phát triển ổn định; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện tình hình an ninh chính trị và trật tự  an toàn xã hội trên địa bàn cơ bản được giữ vững. Bước sang tháng 7, từ ngày 1/7/2024 mức lương cơ sở là 2.340.000 đồng/tháng (tăng 30% so với mức lương cơ sở trước 1/7/2024 là 1.800.000 đồng/tháng). Lương hưu điều chỉnh tăng 15%. Cũng như những lần tăng lương trước đây, bên cạnh tâm lý phấn khởi khi được tăng lương của người hưởng lương, nhưng đa phần người dân lo ngại giá cả hàng hoá tăng theo. Tuy nhiên, CPI tháng 7 chỉ tăng 0,89% so với tháng 6/2024 và tăng 5,33% so cùng kỳ năm 2023.

I. CPI tháng 7/2024 so với tháng 6/2024.

Trước tình hình tăng lương cơ bản và trợ cấp, Lãnh đạo tỉnh nhà đã chỉ đạo sát sao và điều hành kịp thời nhằm ổn định giá cả thị trường, kết quả CPI tháng 7 chỉ tăng 0,89% so với tháng 6/2024, cụ thể:

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 8 nhóm có chỉ số giá tăng, gồm: Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 5,54%; nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,66%; giao thông tăng 1,52%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,68%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,56%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,18%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,13%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,04%. Có 1 nhóm chỉ số giảm: bưu chính viễn thông giảm 0,19% và có 2 nhóm có chỉ số giữ nguyên là Thuốc và dịch vụ y tế và Giáo dục. Các yếu tố tác động làm tăng CPI như sau:

Anh-tin-bai

Nhóm chỉ số tăng:

1. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+0,68%)

1.1 Lương thực (+0,84%)

Chỉ số giá nhóm lương thực tháng 7/2024 tăng 0,84%, trong đó chỉ số nhóm gạo tăng 0,97% (gạo tẻ thường tăng 1,09%, gạo tẻ ngon tăng 0,84%, gạo nếp tăng 0,48%); giá bánh mỳ tăng 0,69%; bún, bánh phở, bánh đa, mỳ sợi, mỳ phở cháo ăn liền tăng 0,19%; miến tăng 1,11%; ngũ cốc ăn liền tăng 0,17%.

1.2 Thực phẩm (+0,68%)

Nhóm Thực phẩm tăng 0,68% nguyên nhân chủ yếu do giá một số mặt hàng biến động như sau: Giá thịt lợn tăng 1,45% do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao (giá thịt các loại tại các chợ có giá giao động từ 100.000 đồng/kg – 150.000 đồng/kg), theo đó giá thịt chế biến tăng 0,77%, trong đó thịt quay, giò chả tăng 0,79%; thịt hộp tăng 0,11%; thịt chế biến khác tăng 0,07%.

Thịt bò tươi sống tăng 0,32% (giá thịt bò tại các chợ có giá ở mức từ 170.000 đồng đến 260.000 đồng), giá thịt gia cầm tăng 0,34% chủ yếu do: thịt gà tăng 0,33%, giá gia cầm khác (thịt vịt) tăng 0,37%.

Thủy sản tươi sống tăng 0,60% do giá nhiên liệu phục vụ cho nhu cầu đánh bắt và nuôi trồng thủy sản tăng, cụ thể như: cá chép; cá thu khúc; tôm rảo, tôm nước ngọt 40-45 con/kg; mực tươi;… lần lượt tăng từ 0,44% đến 0,74%. Thuỷ hải sản chế biến tăng 0,23%.

Cùng với đó giá các loại dầu mỡ và chất béo khác tăng 0,11% do giá nguyên liệu đầu vào sản xuất tăng cao. Giá các loại đậu và hạt tăng 0,45%, các loại gia vị bột canh bột nêm, bột súp tăng 0,16%, đường tăng 0,38%,…

Giá rau tươi, khô và chế biến tăng 1,42%, chủ yếu do giá vận chuyển tăng, trong đó giá các loại rau như: Cà chua tăng 3,69%, su hào tăng 1,57%, bắp cải tăng 1,45%, rau dạng củ quả tăng 2,24%,…

Các loại quả tăng 1,45% do các loại quả có múi tăng 0,27%, chuối tăng 0,32%, xoài tăng 4,13%, quả tươi khác tăng 1,98%,...

1.3. Ăn uống ngoài gia đình (+0,50%)

Giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tháng 7/2024 tăng 0,50% so với tháng trước do giá nguyên liệu chế biến ở mức cao và tháng Bảy là tháng cao điểm du lịch. Trong đó: Chỉ số nhóm hàng ăn ngoài gia đình tăng 0,66%, uống ngoài gia đình 0,29%.

2. Nhóm đồ uống, thuốc lá (+0,18%)

Chỉ số nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,18% do nhu cầu tiêu thụ bia tăng lên trong mùa hè, đồng thời giá nguyên liệu đầu vào và giá vận chuyển tăng. Cụ thể, bia các loại tăng 0,91% (bia chai tăng 0,82%, bia lon tăng 0,93%). Bên cạnh đó người dân hạn chế sử dụng rượu các loại giảm 0,55%.

 3. May mặc, mũ nón và giày dép (+0,04%)

Nhóm May mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,04% do nhu cầu của người dân tăng và thời tiết nắng nóng, các cửa hàng quần áo và giày dép quần áo các loại đa dạng nhiều mẫu mã chủng loại nên giá cả các mặt hàng này có tăng nhẹ như: Vải các loại tăng 0,25%, quần áo may sẵn tăng 0,11%, dịch vụ may mặc và giày dép tăng 0,28%.

4. Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (+1,66%)

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 7/2024 tăng 1,66% so với tháng trước do tác động của các nguyên nhân chủ yếu sau: Giá điện sinh hoạt tháng 7/2024 tăng 4,15%; Giá nước sinh hoạt tăng 0,52% do nhu cầu sử dụng tăng trong mùa hè. Giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,18% do công sơn tường, lát gạch, xây tường và công lao động phổ thông tăng 0,5-10% với mức lương cơ sở tăng từ 01/7/2024, và nhu cầu xây dựng tăng cao giá một số vật liệu bảo dưỡng nhà ở khác tăng 0,02% do các loại vật liệu tăng giá theo giá nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất. Tiền thuê nhà trên địa bàn tăng 2,11%, nguyên nhân do tháng trước nhà ở giảm, tháng này các nhà ở thuê quay lại giá cũ.

  5. Thiết bị và đồ dùng gia đình (+0,13%)

Chỉ số nhóm hàng thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,13% so với tháng trước do nhu cầu mua sắm của người dân tăng nên các loại thiết bị sử dụng trong gia đình tăng như: Máy điều hoà nhiệt độ tăng 1,20%, tủ lạnh tăng 0,55%, máy giặt tăng 0,19%, đồ dùng điện trong nhà tăng 0,06%, đồ dùng nấu ăn 0,17%, các dịch vụ sửa chữa trong gia đình tăng 0,14%,...  

6. Giao thông (+1,52%)

Chỉ số nhóm Giao thông tháng 7/2024 tăng 1,52% chủ yếu do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước vào các ngày 04/7/2024, 11/7/2024, 18/7/2024 và ngày 25/7/2024 làm cho giá xăng bình quân chung tháng 7/2024 tăng 3,81% so với tháng trước (xăng A95 tăng 4,06%, xăng E5 tăng 3,57%), dầu Diezen tăng 4,38%.

7. Văn hóa, giải trí và du lịch (+0,56%)

Chỉ số nhóm văn hóa giải trí và du lịch tháng 7/2024 tăng 0,56% do dịch vụ du lịch trọn gói tăng 0,04%, khách sạn tăng 0,31, nhà khách tăng 0,16% khi nhu cầu du lịch nội địa tăng cao vào dịp hè. Đồng thời, giá các thiết bị văn hoá trong tháng cũng tăng 0,76%, dịch vụ thể thao và giải trí tăng 0,11%.

8. Hàng hóa và dịch vụ khác (+5,54%)

Chỉ số nhóm hàng hoá và dịch vụ khác tăng 5,54% nguyên nhân chính sau:

Tăng lương cơ sở áp dụng từ ngày 01/7/2024 với 2,34 triệu đồng/tháng thay cho mức 1,8 triệu đồng/tháng như quy định tại Nghị định 24/2023/NĐ-CP (hết hiệu lực từ ngày 01/7/2024), nên dịch vụ bảo hiểm y tế cho cán bộ công chức và bảo hiểm y tế cho lao động tự do tăng 30%.

Các nhóm mặt hàng làm đẹp của người dân ổn định không thay đổi so với tháng trước.

* Chỉ số giá vàng: Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới và tăng 2,03%.

* Chỉ số giá Đô la Mỹ: Giá đồng Đô la Mỹ tăng 0,19%.

Nhóm chỉ số giữ nguyên:

1. Giáo dục (+0,00%): Không tăng, không giảm

2. Thuốc và dịch vụ y tế (+0,00%)

Thực hiện Thông tư số 22/2023/TT-BYT ngày 17 tháng 11 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Y Tế về việc Quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp. Tỉnh Nghệ An đã áp dụng ngay sau khi có Thông tư nên Thuốc và dịch vụ y tế trên địa bàn tỉnh ổn định không thay đổi so với tháng trước.

Chỉ số giảm là:

1. Bưu chính viễn thông (-0,19%)

Chỉ số nhóm bưu chính viễn thông tháng 7/2024 giảm 0,19% chủ yếu giảm do giá máy điện thoại thế hệ cũ giảm khi các Doanh nghiệp áp dụng chương trình giảm giá, kích cầu đối với các dòng điện thoại thông minh đưa ra thị trường sau 1 thời gian, như: máy di động thông thường giảm 0,79%, máy điện thoại thông minh và máy tính bảng giảm 0,56%, phụ kiện máy điện thoại và máy tính bảng giảm 0,47%.

II. CPI tháng 7/2024 tăng 5,33% so với tháng 7/2023:

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 10 nhóm chỉ số tăng như sau: Nhà ở, điện nước và vật liệu xây dựng tăng 16,01%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,92%; giao thông tăng 5,65%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 5,53%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,97%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,11%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,53%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,32%; giáo dục tăng 1,31%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,73%. Bên cạnh đó có 1 nhóm chỉ số giảm là Bưu chính viễn thông giảm 0,42%.

Anh-tin-bai

* Chỉ số giá vàng: Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới và tăng 41,35%.

* Chỉ số giá Đô la Mỹ: Giá đồng Đô la Mỹ tăng 5,06%.

III. Bình quân 7 tháng năm 2024 CPI tăng 5,73% so với cùng kỳ năm 2023.

Bình quân 7 tháng năm 2024 có 11/11 nhóm chỉ số giá đều tăng, cụ thể như sau: Nhà ở, điện nước và vật liệu xây dựng tăng 20,08%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 5,55%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 5,51%; giao thông tăng 4,53%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,89%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,71%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,98%; giáo dục tăng 1,31%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,11%;  may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,92% và Bưu chính viễn thông tăng 0,04%.

Anh-tin-bai

* Chỉ số giá vàng: Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới và tăng 28,96%.

* Chỉ số giá Đô la Mỹ: Giá đồng Đô la Mỹ tăng 2,53%.

Để kiểm soát giá cả hàng hóa trên địa bàn tỉnh Nghệ An những tháng cuối năm 2024, tôi kiến nghị một số giải pháp như sau:

- Các cấp, các ngành tổ chức thực hiện tốt Công điện số 71/CĐ-TTg ngày 21/7/2024 của Thủ tường Chính phủ về việc các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô tháng 7 và quý III năm 2024.

- Các sở, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả thị trường nhất là các mặt hàng thiết yếu một cách kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả để có các biện pháp ứng phó kịp thời và phù hợp nhằm bảo đảm nguồn cung đầy đủ các mặt hàng thiết yếu của người dân như: lương thực, thực phẩm, xăng dầu, điện. Thanh tra, kiểm tra thị trường, kiểm tra hoạt động về kê khai giá, chống đầu cơ, lũng đoạn thao túng giá hàng hóa.

- Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, đưa thông tin kịp thời, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với giá cả hàng hóa, ổn định tâm lý người dân.

- Tăng cường quốc phòng và an ninh đảm bảo trật tự an toàn xã hội, quản lý chặt chẽ các loại hàng hóa nhập khẩu qua đường tiểu ngạch./.

Ths. Ngụy Khắc Chiến, Cục Thống kê tỉnh Nghệ An
THÔNG BÁO
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1