Tháng 11 sản xuất nông nghiệp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ gieotrồng các loại cây vụ Đông và trồng cây lâu năm 2017, đồng thời thu hoạch lúamùa, các loại cây ăn quả, cây công nghiệp như sắn, mía, cà phê, cao su…. Sảnxuất vụ đông năm nay không thuận lợi do mưa lụt nhiều loại cây không đạt kếhoạch đề ra. Tính đến 13/11/2017 tổng diện tích gieo trồng cây vụ Đông ước đạt 33902giảm 7,84% (-2883 ha) so với cùng kỳ năm trước
1. Sản xuất nông nghiệp
a, Trồng trọt:
Tháng 11 sản xuất nông nghiệp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ gieo trồng các loại cây vụ Đông và trồng cây lâu năm 2017, đồng thời thu hoạch lúa mùa, các loại cây ăn quả, cây công nghiệp như sắn, mía, cà phê, cao su…. Sản xuất vụ đông năm nay không thuận lợi do mưa lụt nhiều loại cây không đạt kế hoạch đề ra. Tính đến 13/11/2017 tổng diện tích gieo trồng cây vụ Đông ước đạt 33902 giảm 7,84% (-2883 ha) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó cây ngô diện tích gieo trỉa ước đạt 18500 ha giảm 8,42% (-1700 ha); cây khoai lang diện tích gieo trồng ước đạt 1250 ha, bằng 67,57% (-600 ha); cây rau đậu diện tích gieo trồng ước đạt 9800 ha, giảm 4,85% (-500 ha); cây lạc diện tích gieo trỉa ước đạt 1250 ha, giảm 10,61% (-148 ha); cây thức ăn gia súc (cỏ voi) ước đạt 1800 ha, tăng 0,96%...
Song song với gieo trồng các loại cây vụ Đông, bà con nông dân đang tập trung thu hoạch lúa mùa, đến thời điểm này cơ bản đã thu hoạch xong, năng suất ước đạt 34,25 tạ/ha, sản lượng 126437 tấn, giảm 7,09% (-9649 tấn), nguyên nhân giảm do một số diện tích lúa chuyển từ vụ mùa sang vụ hè thu. Ngoài ra các địa phương đang tập trung thu hoạch sắn, mía phục vụ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến nông sản.
Tháng 11 thời tiết có mưa nhiều, độ ẩm cao thuận lợi cho việc trồng mới các loại cây công nghiệp lâu năm và cây ăn quả như chè, cao su, cam, dứa,…
Tổng diện tích cây lâu năm 2017 ước đạt 45239 ha, tăng 2,7% (+1191 ha), trong đó cây ăn quả lâu năm ước đạt 19536 ha, tăng 3,96% (+743 ha). Trong đó cây cam diện tích ước đạt 5125 ha, tăng 7,7% (+368 ha) do sản phẩm thương hiệu Cam Vinh đã chỗ đứng trên thị trường và là cây có hiệu quả kinh tế cao, diện tích tăng chủ yếu ở huyện Quỳ Hợp và Nghĩa Đàn; cây dứa ước đạt 1020 ha, tăng 1,8% (+18 ha). Cây dược liệu lâu năm diện tích ước đạt 532 ha, tăng 6,19% (+31 ha).
b, Chăn nuôi:
Theo kết quả điều tra chăn nuôi 01/10/2017, tổng đàn trâu có 282942 con, giảm 2,72% (-7921 con) so với cùng kỳ năm trước, tổng đàn bò có 454658 con, tăng 1,84% (+8236 con), trong đó bò sữa 64420 con, tăng 3,25% (+2027 con). Sản lượng xuất chuồng tăng khá, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 10330 tấn, tăng 6,22% (+604 tấn) so với năm trước; sản lượng bò xuất chuồng 16370 tấn, tăng 7,03% (+1076 tấn); sản lượng sữa tươi 225969 tấn, tăng 9,51% (+19615 tấn). Nguyên nhân sản lượng xuất chuồng tăng khá do nhu cầu tiêu thụ thịt trâu, thịt bò tăng, được giá, mặt khác sức kéo của trâu bò dần được thay thế bằng máy cày, bừa nên chăn nuôi trâu, bò chủ yếu là chăn nuôi vỗ béo lấy thịt.
Cũng theo kết quả điều tra tổng đàn lợn đạt 889332 con, giảm 0,67% (-6037 con) so với cùng kỳ năm trước. Đàn lợn năm nay giảm chủ yếu ở vùng đồng bằng (-5,01%) do dịch bệnh trên đàn lợn thường hay xảy ra nên ảnh hưởng đến tâm lý không muốn nuôi, giá con giống, thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá thịt lợn hơi không ổn định, dẫn đến lợi nhuận thấp hoặc lỗ, mặt khác nuôi lợn ảnh hưởng đến môi trường nên tỷ lệ hộ nuôi ít hơn. Số lợn xuất chuồng đạt 2133,62 ngàn con, giảm 0,78% so với năm 2016 tương đương sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 128712 tấn, tăng 0,16%. Tổng đàn gia cầm (ga, vịt, ngan, ngỗng) đạt 22002 nghìn con, tăng 3,14% (+669 nghìn con) so với cùng kỳ năm trước, trong đó đàn gà 18086 nghìn con chiếm 82,2% tổng đàn và tăng 2,76%. Chăn nuôi gia cầm tăng khá do là loại dễ nuôi, chi phí thấp, bán được giá và nhu cầu tiêu dùng nhiều.
2. Sản xuất lâm nghiệp
Tháng 11 diện tích trồng rừng tập trung ước đạt 1988 ha đưa diện tích trồng rừng tập trung 11 tháng đầu năm 2017 ước đạt 17646 ha, tăng 0,05% (+8 ha) so với cùng kỳ năm trước, trong đó trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng ước đạt 279 ha, rừng sản xuất 17367 ha. Khoanh nuôi 76 ngàn ha, chăm sóc 46742 ha, đồng thời bảo vệ 941,88 ngàn ha rừng hiện có. Số cây giống ươm để phục vụ cho nhu cầu trồng rừng ước đạt 30345 ngàn cây.
Sản lượng khai thác lâm sản 11 tháng đạt khá, gỗ các loại khai thác 468484 m3, tăng 22,29% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng gỗ khai thác tăng mạnh từ rừng trồng của các dự án, hộ dân sinh đã đến kỳ thu hoạch và làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến như ván ép, dăm gỗ, nguyên liệu giấy và nhu cầu xây dựng; củi 2252 ngàn ste, giảm 0,17%; một số sản phẩm lâm sản khác như lá tre, nứa, nhựa thông, lá dong, măng, mộc nhĩ… 11 tháng khai thác đều tăng hơn cùng kỳ năm trước.
Tháng 11 tiếp tục tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy, phòng trừ sâu bệnh, không để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng nghiêm trọng.
3. Sản xuất thủy sản
Nuôi trồng thủy sản: diện tích nuôi trồng thủy sản (không sử dụng lồng, bà, bể, bồn) 11 tháng đầu năm 2017 ước đạt 20960 ha, tăng 2,0% (+410 ha) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó diện tích nuôi cá 18460 ha, tăng 0,58% (+106 ha); diện tích nuôi tôm 2230 ha, tăng 15,42% (+298 ha); diện tích thủy sản khác 270 ha, tăng 2,37% (+6 ha).
Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản trong 11 tháng đầu năm 2017 tăng khá do thời tiết tương đối thuận lợi cho ngư dân ra khơi, thời gian bám ngư trường nhiều hơn, số tàu và công suất phương tiện đánh bắt tăng hơn. Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 46625 tấn, tăng 4,87% (+2166 tấn) so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thủy sản khai thác đạt 123120 tấn, tăng 14,99% (+16054 tấn). Tính chung tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản 11 tháng đầu năm ước đạt 169745 tấn, tăng 12,02% (+18220 tấn); trong đó sản lượng cá ước đạt 139748 tấn, tăng 11,83%; sản lượng tôm 7876 tấn, tăng 7,17%; thủy sản khác 22121 tấn, tăng 15,14%.
4. Sản xuất công nghiệp
Do có sản phẩm mới (Xi măng Đô Lương và Tôn Hoa sen Đông Hồi) cùng với lượng điện sản xuất và điện thương phẩm tăng mạnh nên sản xuất công nghiệp của tỉnh có bước khởi sắc hơn, tuy nhiên những sản phẩm mới có hàm lượng giá trị tăng thêm thấp nên mức tăng IIP không tăng cao như mức tăng sản lượng. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11/2017 tăng 20,59% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm công nghiệp khai khoáng tăng 5,77%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 18,98%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 32,88%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,58%.
Một số sản phẩm chủ yếu trong tháng có mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước như sữa tươi 12,83 triệu lít, tăng 16,27%; sữa chua 1892 tấn, tăng 98,12%; quần áo không dệt kim 320 nghìn cái, tăng 66,67%; vỏ bào, dăm gỗ 211938 tấn, tăng 48,11%; phân hóa học 9934 tấn, tăng 33,34%; xi măng 270,6 nghìn tấn, tăng 53,33%; clinke sản xuất 524 nghìn tấn, tăng 231,55%, trong đó bán ra bên ngoài 280 nghìn tấn và để lại sản xuất xi măng 244 nghìn tấn; tôn lợp Hoa sen 39056 tấn, tăng 107,07%; điện sản xuất 175 triệu kwh, tăng 54,87%; điện thương phẩm 225 triệu kwh, tăng 22,28%.
Nguyên nhân sản lượng xi măng và clinke tăng cao do Nhà máy Xi măng Sông Lam Đô Lương đi vào hoạt động từ đầu năm; tôn lợp tăng cao do Nhà máy Tôn Hoa sen Đông Hồi đi vào sản xuất cùng với một số sản phẩm thép mới như thép cán nóng, thép cán nguội; điện sản xuất tăng mạnh do thời tiết có mưa nhiều lượng nước đổ về hồ thủy điện lớn nên công suất chạy máy tăng lên. Bên cạnh những sản phẩm tăng cao trong tháng cũng có nhiều sản phẩm chủ yếu giảm sút như đá xây dựng giảm 4,28%; bia lon giảm 12,32%; bao bì và túi băng giấy giảm 3,86%; thùng hộp bằng bìa cứng giảm 6,98%; ống nhựa tiền phong giảm 3,77%; bê tông tươi giảm 59,72%; loa giảm 5,85%;…
Tính chung 11 tháng đầu năm 2017 chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,21% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm công nghiệp khai khoáng tăng 7,85%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,72%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 21,18%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 11,41%. Chỉ số sản xuất công nghiệp đang có xu hướng tăng nhanh hơn ở những tháng cuối năm (8 tháng tăng 10,62%, 9 tháng tăng 10,81%, 10 tháng tăng 11,74%); Như vậy với xu hướng này thì cuối năm ngành công nghiệp có khả năng vượt kế hoạch đề ra.
Mười một tháng đầu năm một số sản phẩm chủ yếu có mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước như sữa chua 20,94 nghìn tấn, tăng 20,17%; quần áo không dệt kim 4,77 triệu cái, tăng 27,59%; sản phẩm in 4406 triệu trang, tăng 20,75%; xi măng 2285,8 nghìn tấn, tăng 23,99%; clinke bán ra ngoài 3283 ngàn tấn, tăng 8,3 lần; thép dày dạng băng 61,4 nghìn tấn, tăng 35,76%; tôn lợp Hoa sen 274,6 ngàn tấn, tăng 164,24%; điện sản xuất 2331 triệu kwh, tăng 20,97%; điện thương phẩm 2843 triệu kwh, tăng 33,54%. Trong kỳ có sản phẩm mới là xi măng Đô Lương, Tôn Hoa sen Đông Hồi nhưng nhiều sản phẩm chủ lực của tỉnh lại giảm như đường kính giảm 25,54%, áo sơ mi dệt kim giảm 14,97%, thùng hộp bằng bìa cứng giảm 12%, bê tông tươi giảm 38,25% và nhiều sản phẩm tăng thấp nên có ảnh hưởng đến chỉ số sản xuất công nghiệp chung.
5. Đầu tư, xây dựng
11 tháng đầu năm 2017 lĩnh vực đầu tư xây dựng phát triển khá. Vốn đầu tư phát triển tháng 11/2017 thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 594,56 tỷ đồng, đưa 11 tháng đầu năm ước đạt 5933,74 tỷ đồng, tăng 13,33% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 2358,2 tỷ đồng, tăng 12,5%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 2151,1 tỷ đồng, tăng 11,1% và cấp xã 1424,4 tỷ đồng, tăng 18,38%.
Vốn đầu tư thực hiện trong kỳ chủ yếu tập trung vào các công trình chuyển tiếp như đường giao thông từ KCN Hoàng Mai II đến NM xi măng Tân Thắng; đường giao thông từ Khu di tích TBT Lê Hồng Phong đến Xứ ủy Trung Kỳ; đường D4, N5 KTT Đông Nam; Khu A Khu công nghiệp Nam Cấm; Bệnh viện đa khoa Nghệ An giai đoạn 2; hồ chứa nước Bản Mồng; tiểu dự án phát triển đô thị Vinh; Hợp phần 4, dự án quản lý thiên tai WB5; Nâng cấp, cải tạo hạ tầng Khu nuôi trồng thủy sản huyện Quỳnh Lưu; Xây dựng kè chống sạt lở sông nam Cấm; đường D1 Thị xã Thái Hòa; hạ tầng tái định cư phường Nghi Thu, Cửa Lò; đường từ Trung tâm huyện Thanh Chương đi Khu tái định cư Thủy điện Bản Vẽ; đường giao thông vành đai thị trấn Nam Đàn; đường giao thông Bệnh viện – Hợp Thành, Yên Thành; Đường 72m Vinh – Cửa Lò;…
6. Thu chi ngân sách
Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh ước năm 2017 ước đạt 12030,7 tỷ đồng, bằng 103,8% dự toán và tăng 9,31% so với năm 2016, trong đó thu nội địa ước đạt 10630,7 tỷ đồng, bằng 100,1% dự toán và tăng 7,7%. Nhiều khoản thu đạt dự toán và so với năm trước tăng khá như: Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 310 tỷ đồng, bằng 107,16% dự toán và tăng 13,55%; thuế thu nhập cá nhân 425 tỷ đồng, bằng 125% dự toán và tăng 26,19%; thuế bảo vệ môi trường 970 tỷ đồng, bằng 130,2% dự toán và tăng 26,92%; thu phí và lệ phí 210 tỷ đồng, bằng 100% dự toán và tăng 21,51%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 1400 tỷ đồng, bằng 145,83% dự toán và tăng 25,16%. Tuy nhiên có một số khoản thu có liên quan đến sản xuất kinh doanh lại đạt thấp so với dự toán và cùng kỳ như: thu từ doanh nghiệp trung ương bằng 87,47% dự toán và giảm 3,33%; thu từ CTN-DV ngoài quốc doanh bằng 88,81% dự toán; lệ phí trước bạ bằng 78,08% dự toán và giảm 19,34% (chủ yếu giảm lệ phí trước bạ ô tô do tâm lý người dân chờ đến năm 2018 khi thuế nhập khẩu từ ASEAN bằng 0% mới mua xe).
Tổng chi ngân sách năm 2017 ước đạt 22755,2 tỷ đồng, bằng 107,51% dự toán. Trong đó chi đầu tư phát triển 5955,2 tỷ đồng, bằng 128,46% dự toán; chi thường xuyên 16477,1 tỷ đồng, bằng 101,98% dự toán. Chi thường xuyên chủ yếu tập trung chi lương và các khoản có tính chất lương, đảm bảo hoạt động có tính chất thường xuyên của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp và thực hiện chính sách an sinh xã hội cũng như phát triển kinh tế. Các khoản chi quan trọng trong chi thường xuyên đều bảo đảm như: Chi sự nghiệp kinh tế 1607,5 tỷ đồng, bằng 105,25% dự toán; chi sự nghiệp giáo dục đào tạo 7212,1 tỷ đồng, bằng 101,69% dự toán; chi sự nghiệp y tế 1816,3 tỷ đồng, bằng 101,68%; chi quản lý hành chính 3028,9 tỷ đồng, bằng 102,02% dự toán; chi đảm bảo xã hội 1024,3 tỷ đồng, bằng 103,02% dự toán.
7. Thương mại, giá cả
Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 11/2017 theo giá hiện hành ước đạt 4051,2 tỷ đồng, tăng 11,02% so với cùng tháng năm trước đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa 11 tháng đầu năm 2017 ước đạt 43465,5 tỷ đồng, tăng 11,42% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó chiếm tỷ lệ lớn nhất là thành phần kinh tế cá thể 24216,5 tỷ đồng, tăng 14,27%; thành phần kinh tế tư nhân 16761,3 tỷ đồng, tăng 9,14%; thành phần kinh tế nhà nước 2056,6 tỷ đồng, tăng 0,75%; thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 397,7 tỷ đồng, tăng 2,96%. Chia theo nhóm hàng bán lẻ thì nhóm lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất với doanh thu trong kỳ ước đạt 12840,6 tỷ đồng (chiếm 29,5% tổng số), tăng 15,14% so với 11 tháng năm trước; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình 5972,7 tỷ đồng, tăng 11,94%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng 3342,1 tỷ đồng, tăng 11,43%; ô tô các loại 6887 tỷ đồng, tăng 7,48%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) 3352,1 tỷ đồng, tăng 9,30%; xăng dầu 3603,5 tỷ đồng, tăng 7,17%;...
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tháng 11/2017 ước đạt 490,2 tỷ đồng, tăng 12,77% so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 11 tháng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành ước đạt 6484,9 tỷ đồng, tăng 24,61% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng mạnh do năm trước ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, nên doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt thấp; còn năm nay khi môi trường không còn ô nhiễm, khách du lịch đến Cửa Lò và các điểm vui chơi khác tăng mạnh, nên doanh thu cũng tăng theo. Trong đó dịch vụ lưu trú phục vụ 4353,5 ngàn lượt khách, tăng 32,72% so với cùng kỳ năm trước (3333,2 ngàn lượt khách ngủ qua đêm) với doanh thu lưu trú 997,6 tỷ đồng, tăng 35,84%; dịch vụ ăn uống 5376,4 tỷ đồng, tăng 22,76%; dịch vụ du lịch lữ hành 111 tỷ đồng, tăng 22,95%.
Doanh thu hoạt động dịch vụ (trừ dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành) 11 tháng ước đạt 4587,9 tỷ đồng, tăng 10,95%, trong đó kinh doanh bất động sản 1820 tỷ đồng, tăng 6,08%; dịch vụ hành chính 809,9 tỷ đồng, tăng 5,61%; dịch vụ y tế 718,9 tỷ đồng, tăng 45,38% do điều chỉnh giá dịch vụ Y tế theo thông tư liên tịch số 37/TTLT-BYT-BTC; dịch vụ nghệ thuật, vui chơi giải trí 333,8 tỷ đồng, tăng 8,06%…
Giá cả thị trường: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 năm 2017 tăng 0,4% so với tháng trước; tăng 0,82% so với tháng 12/2016; tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước.
So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có 10 nhóm hàng hóa dịch vụ chỉ số giá tăng, trong đó tăng mạnh nhất là nhóm giao thông tăng 1,48% do phương tiện đi lại tăng 1,67% và giá xăng dầu tăng 1,68%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 0,49% do giá gas tăng 5,34%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,39% (lương thực tăng 0,35%, thực phẩm tăng 0,51%); nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,67% do dịch vụ cá nhân tăng 0,85%. Có 1 nhóm giảm giá là nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,14%.
So với tháng trước chỉ số giá vàng giảm 1,55%, so với tháng 12/2016 tăng 7,46%, so với cùng kỳ năm trước tăng 6,12%; chỉ số đô la Mỹ giảm 0,04% so với tháng trước và giảm 1,27% so với tháng 12/2016 và tăng 1,49% cùng kỳ năm trước.
Tính bình quân 10 tháng năm 2017 chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,96% so với 10 tháng năm 2016, chỉ số giá tăng cao ở các nhóm thuốc và dịch vụ y tế với mức tăng 86,99% do điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh theo Thông tư 37; nhóm giao thông tăng 6,59%; nhóm giáo dục tăng 4,11%.
8. Vận tải
Vận chuyển hành khách tháng 11/2017 ước đạt 6,23 triệu lượt khách và 504,71 triệu lượt khách.km. So với cùng kỳ năm trước hành khách vận chuyển tăng 11,46% và hành khách luân chuyển tăng 11,64%. Tính chung 11 tháng khối lượng hành khách vận chuyển ước đạt 70 triệu lượt khách, tăng 10,97% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hành khách luân chuyển 5667,5 triệu lượt khách.km, tăng 11,2%.
Vận tải hàng hóa tháng 11/2017 ước đạt 5,47 triệu tấn và 228,36 triệu tấn.km. So với tháng 11/2016 khối lượng vận chuyển hàng hóa tăng 13,07%, khối lượng luân chuyển hàng hóa tăng 8,5%. Tính chung 11 tháng đầu năm khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 58,62 triệu tấn, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển hàng hóa 2490,6 triệu tấn.km, tăng 7,19%. Khối lượng khối lượng luân chuyển tăng thấp do vận tải đường biển ký được ít hợp đồng (luân chuyển đường biển giảm 2,83%), mặt khác luân chuyển đường biển lại chiếm tỷ trọng tương đối lớn ( gần 30%) nên ảnh hưởng đến luân chuyển chung.
Doanh thu vận tải, bốc xếp tháng 11 ước đạt 658,7 tỷ đồng đưa doanh thu 11 tháng ước đạt 7177,5 tỷ đồng, tăng 8,11% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu vận tải hàng hóa 4545,3 tỷ đồng, tăng 6,85%; doanh thu vận tải hành khách 1619,4 tỷ đồng, tăng 12,28% và doanh thu bốc xếp, dịch vụ vận tải 1012,84 tỷ đồng, tăng 7,46%.
9. Một số vấn đề xã hội
a. Thiếu đói trong dân cư
Tính đến thời điểm 10/11/2017 trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 370 hộ dân cư thiếu đói với 1483 khẩu chiếm 0,05% số khẩu, không có hộ thiếu đói gay gắt. Số hộ thiếu đói kỳ này chủ yếu xẩy ra ở các huyện miền núi cao và có 17/21 huyện, thành phố, thị xã không xẩy ra thiếu đói.
So với tháng trước số hộ thiếu đói giảm 2,89% (-11 hộ), so với cùng kỳ năm trước số hộ thiếu đói giảm 45,27% (-306 hộ). Nguyên nhân thiếu đói kỳ này giảm hơn tháng trước và cùng kỳ năm trước do các địa phương cơ bản đã thu hoạch xong lúa mùa với năng suất ước đạt 34,25 tạ/ha, sản lượng 126437 tấn. Mặt khác để thực hiện chính sách hỗ trợ gạo cho các hộ ảnh hưởng do thiên tai (bão số 2), UBND tỉnh có Quyết định 4967 đã cấp 28,9 tấn gạo cho huyện Kỳ Sơn. Dự tính thời gian tới số hộ, số người thiếu đói sẽ tăng hơn khi bà con nông dân chưa được nhà nước hỗ trợ do ảnh hưởng của cơn bão số 10.
b. Dịch bệnh
Trong kỳ từ ngày 10/10/2017 đến 10/11/2017 trên địa bàn toàn tỉnh đã xẩy ra 765 ca tiêu chảy; Sốt rét xảy ra 13 ca; Sốt xuất huyết trong kỳ xảy ra 7 ca. So với cùng kỳ năm trước số ca tiêu chảy giảm 37,09% (-451 ca), sốt rét giảm 63 ca; sốt xuất huyết tăng 7 ca. Cộng dồn 11 tháng xảy ra 9834 ca tiêu chảy; 193 ca sốt rét; 539 ca sốt xuất huyết; 14 vụ ngộ độc thực phẩm. So với cùng kỳ năm trước tiêu chảy giảm 24,1% (-3123 ca), sốt rét giảm 45,94% (-164 ca), sốt xuất huyết tăng 423,3% (+436 ca). Nguyên nhân chính gây ra các vụ tiêu chảy và ngộ độc là do thời tiết, uống bia rượu nhiều, ăn các thức ăn chế biến có ướp hoá chất, ôi thiu; rau hoa quả phun thuốc sâu và thuốc kích thích. Nguyên nhân dịch sốt xuất huyết tăng do thời tiết có mưa nhiều, độ ẩm cao, muỗi vằn phát triển nhanh và truyền siêu vi trùng Dengue từ người này qua người khác.
Tình hình nhiễm HIV/AIDS: Đến ngày 30/9/2017 số người bị nhiễm HIV được phát hiện trên toàn tỉnh là 12123 người, trong đó có 9884 người trong tỉnh. Căn bệnh HIV đã xảy ra ở 444/480 xã/phường/thị trấn của 21 huyện/thành phố/thị xã, nhiều nhất là thành phố Vinh 2016 người, Quế Phong 1934 người, huyện Tương Dương 1074 người, Quỳ Châu 891 người, Diễn Châu 522 người, Đô Lương 434 người, Thanh Chương 381 người, Quỳ Hợp 348 người, Thái Hòa 314 người, Con Cuông 300 người,... Đối tượng nhiễm HIV chủ yếu là nam giới (79,34%), có độ tuổi từ 20-39 tuổi (84,59%). Trong tổng số người nhiễm HIV đã có 6997 người chuyển sang bệnh AIDS và đã tử vong 4022 người. So với cùng kỳ năm trước số người nhiễm HIV tăng 1466 người (+13,76%), số người bị AIDS tăng 561 người (+8,72%), số người bị chết do AIDS tăng 553 người (+15,94%).
c. Trật tự an toàn xã hội
Tính từ 10/10/2017 đến 10/11/2017 trên địa bàn tỉnh xảy ra 55 vụ, bắt giữ 78 đối tượng phạm pháp kinh tế chủ yếu là buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu thu giữ 292 kg thuốc nổ, 50 kíp nổ, 37 gói pháo bi, súng nhựa, bình xịt hơi cay và nhiều hàng hóa khác…. So với tháng trước giảm 33 vụ, giảm 19 đối tượng và so với cùng kỳ năm trước tăng 27 vụ tăng 33 đối tượng.
Phạm pháp hình sự xẩy ra 107 vụ với 150 đối tượng chủ yếu là trộm cắp, cướp giật tài sản công dân làm mất 2 xe máy, 2 máy tính xách tay, nhiều điện thoại di động, tiền mặt 91 triệu đồng và nhiều tài sản khác. So với tháng trước tăng 4 vụ, giảm 7 đối tượng và so với cùng kỳ năm trước giảm 55 vụ và giảm 94 đối tượng.
Trong tháng xẩy ra 46 vụ 70 đối tượng buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma tuý, thu giữ 40 bánh, 38 gam hêrôin; 1,72 kg gam ma túy đá; 82,1 gam và 13250 viên ma túy tổng hợp; 127 viên hồng phiến. Trong đó: Thành phố Vinh 21 vụ 23 đối tượng; Yên Thành 12 vụ 26 đối tượng; Nghĩa Đàn 2 vụ 11 đối tượng;... So với tháng trước giảm 49 vụ, giảm 46 đối tượng và so với cùng kỳ năm trước giảm 5 vụ nhưng tăng 11 đối tượng.
Trong tháng phát hiện 40 vụ 47 đối tượng sử dụng ma túy. Trong đó: Thành phố Vinh 10 vụ 10 đối tường; Kỳ Sơn 8 vụ 8 đối tượng; Nghi Lộc 2 vụ 2 đối tượng... Phát hiện 3 vụ 10 đối tượng mua bán dâm. So cùng kỳ năm trước sử dụng ma túy tăng 27 vụ, tăng 29 đối tượng; hoạt động mại dâm giảm 6 vụ, giảm 11 đối tượng.
Trong kỳ xẩy ra 29 vụ tai nạn giao thông, làm chết 19 người, bị thương 30 người, ước giá trị thiệt hại 1248 triệu đồng. So với tháng trước giảm 6 vụ, số người chết tăng 1 người và số người bị thương giảm 5 người. So với cùng kỳ năm trước số vụ giảm 2 vụ (-6,45%), số người chết tăng 4 người (+26,67%), số người bị thương tăng 1 người (+3,45%). Như vậy trong 11 tháng đầu năm 2017 tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí, đã xảy ra 313 vụ tai nạn, làm chết 147 người, làm bị thương 327 người; So với cùng kỳ năm trước số vụ tai nạn giao thông giảm 28,86% (-127 vụ); số người chết giảm 22,63% (-43 người); số người bị thương giảm 28,45% (-130 người).
Ngoài ra trong tháng còn xảy ra 1 vụ cháy làm thiệt hại khoảng 20 triệu đồng; phát hiện 5 vụ đánh bạc và lô đề thu giữ 30 tỷ đồng và một số vật dụng khác./.
Nguồn: Thái Bá Minh - Cục Thống kê Nghệ An