Theo công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2012 tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 5,13% so với tháng 12/2011. Sau 9 tháng, tức là sau ba phần tư thời gian của năm, CPI tăng thấp nhất so với tốc độ tăng tương ứng của cùng kỳ trong 8 năm trước đó...
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2012 tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 5,13% so với tháng 12/2011. Sau 9 tháng, tức là sau ba phần tư thời gian của năm, CPI tăng thấp nhất so với tốc độ tăng tương ứng của cùng kỳ trong 8 năm trước đó...
Chỉ số giá tiêu dùng 9 tháng đầu năm tăng thấp hơn nhiều so với mục tiêu ban đầu và chỉ bằng khoảng 70% mục tiêu định lượng mới.
Chỉ tiêu kế hoạch CPI cả năm nay được đề ra từ cuối năm trước là dưới 10% và được định lượng lại vào giữa năm là 7- 8%.
Như vậy, sau 9 tháng, tức là sau ba phần tư thời gian, CPI tăng thấp nhất so với tốc độ tăng tương ứng của cùng kỳ trong 8 năm trước đó (cùng kỳ cao nhất 2008 tăng 21,86%, 2011 tăng 16,63%, bình quân tăng gần 9,5%). Đây cũng là con số thấp hơn nhiều so với mục tiêu ban đầu và chỉ bằng khoảng 70% mục tiêu định lượng mới.
Sau 1 năm (tháng 9/2012 so với tháng 9/2011), CPI tăng 6,48%, tuy có cao hơn các con số tương ứng của 2 tháng trước (tháng 8 tăng 5,04%, tháng 7 tăng 5,35%), nhưng thấp hơn của các tháng từ tháng 8/2011 đến tháng 6/2012). Nếu 3 tháng tới, mỗi tháng tăng 1,5%, thì đến tháng 12 sẽ tăng 9,93%- tức là vẫn nằm trong mục tiêu "một con số".
Việc kiềm chế được lạm phát theo mục tiêu như trên do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân về sự chuyển đổi tư duy điều hành: không chạy theo tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá, đưa việc kiềm chế lạm phát thành mục tiêu ưu tiên và ngay cả khi lạm phát đã được kiềm chế, vẫn kiên trì và nhất quán với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát. Ngay trong việc kiềm chế lạm phát, cũng có chuyển đối tư duy từ chạy theo việc ngăn chặn lạm phát sang chủ động điều hành lạm phát theo mục tiêu, vừa tránh được giảm phát, thiểu phát.
Có nguyên nhân do việc thắt chặt chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá- là những yếu tố trực tiếp gây ra lạm phát cao- nhờ đó mà đầu tư và tiêu dùng đã “co lại”, vừa giảm mạnh nhập siêu, vừa làm cho CPI đã tăng thấp từ tháng 9/2011, ngay cả trong tháng có Tết Dương lịch, Tết Âm lịch và giảm trong 2 tháng liền (tháng 6, tháng 7/2012).
Có nguyên nhân do sản lượng lương thực, thực phẩm đạt kỷ lục vào năm 2011 và tiếp tục tăng trưởng khá trong các tháng từ đầu năm đến nay, góp phần làm cho giá lương thực giảm trong 8 tháng liền, giá thực phẩm giảm trong 6 tháng liền- trong khi chi tiêu cho lương thực, thực phẩm chiếm tới gần 40% tổng chi tiêu cho đời sống.
Từ việc giá lương thực, thực phẩm giảm trong thời gian khá dài, có thể rút ra 4 vấn đề đáng lưu ý. (1) Nông dân đã góp phần quan trọng vào công cuộc kiềm chế lạm phát năm nay, cùng với việc góp phần vào tăng trưởng xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, với việc giải quyết công ăn việc làm khi làng nghề, các ngành, khu vực khác gặp khó khăn,... (2) Những người nghèo, người có thu nhập thấp có tỷ trọng chi cho lương thực, thực phẩm cao hơn nhiều so với các nhóm khác, cũng đỡ bị ảnh hưởng. (3) Người nông dân bị thiệt thòi khi giá lương thực, thực phẩm giảm, trong khi giá đầu vào của sản xuất, giá của các nhóm hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng khác tăng cao. Nhà nước đã có chủ trương hỗ trợ bằng việc mua tạm trữ lương thực xuất khẩu, hỗ trợ nuôi trồng thuỷ sản, nhưng cần mở rộng và hỗ trợ trực tiếp hơn nữa. (4) Trong khi giá lương thực, thực phẩm giảm thì giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình vẫn tăng khá cao, chứng tỏ người sản xuất thì bị thiệt, nhưng các khâu từ thu mua, vận chuyển, bán lẻ... đã thu lợi không nhỏ.
Có nguyên nhân do tâm lý kỳ vọng lạm phát đã giảm sức ép, bởi sự tăng thấp của CPI trong 7 tháng đầu năm, bởi giá vàng giảm trong 8 tháng và giá USD ổn định...
Vẫn chưa thể chủ quan
Mặc dù công cuộc kiềm chế lạm phát đã đạt được kết quả và theo dự đoán thì cả năm 2012, mục tiêu này vẫn đạt được, nhưng chưa thể chủ quan, bởi lạm phát đang đứng trước nguy cơ cao trở lại với sự cộng hưởng của nhiều yếu tố, cả ở nước ngoài cũng như ở cả trong nước.
CPI của các tháng so với cùng kỳ năm 2011 (tính theo %) - Nguồn Tổng cục Thống kê
Có nhiều yếu tố ở nước ngoài tác động đến Việt Nam. Ngoài các yếu tố trước đây, trên thế giới hiện có những yếu tố mới, trong đó nổi bật là các động thái của các nền kinh tế lớn. Ngày 6/9, ECB công bố bơm thêm tiền với quy mô lớn vào nền kinh tế; ngày 13/9, FED công bố chương trình nới lỏng định lượng QE3 với quy mô lên đến 40 tỷ USD/tháng nhưng không giới hạn thời gian giữ mức lãi suất gần 0% cho đến giữa năm 2015, tiếp tục chương trình hoán đổi trái phiếu; các nền kinh tế lớn trên thế giới đồng loạt bơm tiền…. Những động thái đó về thực chất là bơm tiền ra để ngăn chặn nguy cơ suy thoái, suy giảm tăng trưởng, để giảm bớt tình trạng thất nghiệp...; hiệu ứng phụ là gây ra lạm phát (ở các nước phát triển do tỷ lệ tiêu dùng/GDP cao nên rất sợ lạm phát, nhưng do mức lạm phát của họ thường và hiện ở mức rất thấp); cụm từ “chiến tranh tiền tệ” đã xuất hiện trước đây nay càng lộ rõ. Nguy cơ giá hàng hóa tăng mạnh, trong đó mà những ngày qua đã thấy rõ là giá vàng, giá dầu, giá kim loại, giá bông, giá lúa mỳ, giá cà phê… tăng mạnh.
Cần nhớ rằng, nền kinh tế của Việt Nam có độ mở lớn (khi tỷ lệ kim ngạch xuất, nhập khẩu cả hàng hoá và dịch vụ/GDP của Việt Nam năm 2011 đã lên đến 185,8%, nếu cộng với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện và vốn hỗ trợ phát triển chính thức giải ngân chiếm gần 40% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tương đương với trên 13,8% GDP, thì so với GDP đã đến gần 200%; đó là chưa kể các khoản vốn gián tiếp, các khoản vốn vay khác). Đã là yếu tố nước ngoài, thì Việt Nam rất khó khăn trong việc khắc phục.
Tuy nhiên, cần tăng cường phòng ngừa bằng nhiều giải pháp, trong đó có 4 giải pháp quan trọng. (1) Cần ngăn chặn nhập siêu. (2) Cẩn trọng trong việc vay nợ, nhất là vay thương mại, đặc biệt là vay thương mại của các doanh nghiệp. (3) Nghiêm chỉnh và tích cực trong việc trả nợ (như thời gian qua, tỷ lệ thực hiện trả nợ nước ngoài so với dự toán cả năm mà Quốc hội phê duyệt đều cao hơn các tỷ lệ của các khoản khác). (4) Cẩn trọng với việc tăng tỷ giá, bởi nếu tăng tỷ giá sẽ làm phát sinh nhập khẩu lạm phát do giá nhập khẩu tính bằng VND sẽ bị tăng kép (vừa tăng do giá tính bằng ngoại tệ tăng, vừa tăng do tỷ giá VND/ngoại tệ tăng).
Những yếu tố ở trong nước tác động đến lạm phát đã xuất hiện trở lại. CPI đã tăng trở lại trong tháng 8 và tăng khá cao trong tháng 9. Đây là tín hiệu để dự báo rằng lạm phát đang nằm trong đà tăng lên, nếu không kiên trì, nhất quán mà nới lỏng với mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Giá lương thực, thực phẩm sau một thời gian dài bị giảm, nay đã tăng trở lại, khi lượng xuất khẩu gạo đạt kỷ lục trong tháng 8, tính chung 8 tháng đã tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước và cả năm có khả năng vượt kỷ lục 7,11 triệu tấn của năm trước. Giá lương thực thế giới được dự báo sẽ tăng lên do tác động của hạn hán, mưa bão...
Một số nhóm hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng quan trọng do điều chỉnh giá đã tăng rất cao, như thuốc và dịch vụ y tế tháng 9 tăng 17,02% so với tháng 8 và tăng 30,18% so với tháng 12/2011; giáo dục tương ứng tăng 10,54% và 14,56%; nhà ở và vật liệu xây dựng tương ứng tăng 2,18% và 7,27%; giao thông tương ứng tăng 3,83% và 6,53%,...
Để hỗ trợ sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường, Chính phủ đã nới lỏng chính sách tài khoá, tiền tệ là đúng hướng, nhưng cũng sẽ có hiệu ứng phụ là thu hẹp sản xuất, tăng trưởng bị suy giảm và thấp hơn mục tiêu, rất dễ rơi vào vòng luẩn quẩn “Tăng trưởng- lạm phát- thắt chặt- suy giảm- nới lỏng- lạm phát...” cũng như chu kỳ “1 năm tăng thấp, 2 năm tăng cao” trong 8 năm trước đó của CPI sẽ lặp lại.
Nhu cầu đầu tư, tiêu dùng vào cuối năm theo thông lệ của Việt Nam thường cao hơn đầu năm. Việc tăng giá xăng dầu, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục... sẽ còn tác động dây chuyền, lan toả trong thời gian tới.
Tâm lý kỳ vọng lạm phát đã được giảm sức ép trong nhiều tháng trước đây, nay lại tăng sức ép trở lại, khi giá vàng đã chuyển từ xu hướng giảm trong nhiều tháng sang tăng mạnh từ trung tuần tháng 8 đến nay.
Để ngăn chặn nguy cơ lạm phát cao trở lại, tác giả bài viết đề xuất một số giải pháp như:
(1) Về mặt tư duy, cần chấp nhận tốc độ tăng trưởng thấp hơn năm trước là tốc độ tăng hợp lý trong điều kiện hiện nay.
(2) Tiếp tục kiềm chế nhập siêu vừa để cải thiện cán cân thanh toán, hạn chế việc tăng nợ nước ngoài, vừa để hạn chế nhập khẩu lạm phát, trong điều kiện các nước lớn bơm tiền để kích thích kinh tế, giảm tỷ lệ thất nghiệp,...
(3) Cẩn trọng trong việc điều hành tỷ giá để tránh làm cho lạm phát ở trong nước bị khuếch đại.
(4) Cẩn trọng trong việc nới lỏng chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ.
(5) Đồng thời với việc đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, cần đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao hiệu quả đầu tư, bởi hiệu quả đầu tư thấp là yếu tố tiềm ẩn, nguyên nhân sâu xa của lạm phát.
Theo: chinhphu.vn