image banner
Những chấm phá đậm nét trong bức tranh kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024
Kinh tế Việt Nam năm 2024 đã đi được một nửa chặng đường với nhiều mảng sáng đậm nét, tạo đà tăng trưởng cho các quý tiếp theo. Đây là kết quả của sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của các Bộ, ngành, địa phương.
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2024 của Tổng cục Thống kê vừa mới công bố, kinh tế Việt Nam quý II năm 2024 tiếp tục khởi sắc sau đà tăng trưởng trong quý I, với tốc độ tăng ước đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 7,99% của quý II/2022 trong giai đoạn 2020-2024.

Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP cả nước tăng 6,42%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của 6 tháng đầu năm 2022 trong giai đoạn 2020-2024 và cao hơn mức tăng trưởng mục tiêu cận trên tại Nghị quyết 01 đề ra 5,5%-6% là một dấu hiệu tích cực cho mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024. Kết quả này cho thấy hiệu quả của những nỗ lực, sát sao, kịp thời trong điều hành Chính sách của Chính phủ, Nhà nước, Bộ ngành và sự cố gắng, quyết tâm của các địa phương, doanh nghiệp, người dân trên con đường khôi phục và phát triển kinh tế.

Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,38%, đóng góp 5,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,51%, đóng góp 44,28%; khu vực dịch vụ tăng 6,64%, đóng góp 49,76%.
 
Những chấm phá đậm nét trong bức tranh kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024
Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,55%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 36,44%; khu vực dịch vụ chiếm 43,35%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,66% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2023 là 11,64%; 36,46%; 43,10%; 8,80%).

Nông nghiệp tiếp tục thể hiện tốt vai trò trụ đỡ của nền kinh tế

Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 tăng 3,15% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,27 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành lâm nghiệp tuy tăng 5,34% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 3,76%, đóng góp 0,09 điểm phần trăm.

Nhờ chủ động khắc phục khó khăn về thời tiết, xâm nhập mặn, kiểm soát dịch bệnh trên đàn vật nuôi sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm nay duy trì tăng trưởng ổn định. Ngành nông nghiệp tiếp tục thể hiện tốt vai trò trụ đỡ của nền kinh tếvừa đáp ứng nhu cầu nội địa, đảm bảo an ninh lương thực, vừa đóng góp đáng kể cho hoạt động xuất khẩu.

Sản lượng lúa vụ Đông Xuân 2024 đạt 20,32 triệu tấn, tăng 132,5 nghìn tấn (tăng 0,7%) so vụ đông xuân năm trước. Sản lượng cây ăn quả 6 tháng đầu năm đạt khá như: Xoài đạt 629,4 nghìn tấn, tăng 2,3%; cam đạt 519,4 nghìn tấn, tăng 2,4%; sầu riêng đạt 487,7 nghìn tấn, tăng 20,3%; mít đạt 405,8 nghìn tấn, tăng 4,2%;... Ngoài ra, một số cây lâu năm tăng cả sản lượng thu hoạch và giá bán so với cùng kỳ như hồ tiêu, cao su, chè...

Khác với tình trạng trước đây thường là “được mùa, mất giá”, trong 6 tháng đầu năm nay nhiều sản phẩm chủ lực trong nông nghiệp “được cả mùa” và “được cả giá”, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông sản và thu nhập của người sản xuất.

Bên cạnh đó, chăn nuôi phát triển ổn định với sản lượng thịt lợn và gia cầm xuất chuồng tăng khá, dịch bệnh được kiểm soát. Diện tích rừng trồng mới và thu hoạch gỗ tăng cao do hoạt động xuất khẩu gỗ khởi sắc, giá gỗ nguyên liệu tăng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 128,5 nghìn ha, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác đạt 9.928,4 nghìn m3, tăng 6,3%.

Hoạt động nuôi trồng thủy sản tăng trưởng khá, các địa phương chú trọng đầu tư nuôi thâm canh và bán thâm canh một số thủy sản chủ lực. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng thủy sản ước đạt 4.384,7 nghìn tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước; Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 2.431,4 nghìn tấn, tăng 4,1%; Sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 1.953,3 nghìn tấn, tăng 1,0%.

Trong quý II, các mặt hàng xuất khẩu nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng khá tốt cho thấy sự chuyển biến tích cực của nhu cầu tại các nền kinh tế đối tác lớn của Việt Nam, đưa kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm sản đạt 16,64 tỷ USD, tăng cao (25%) so với cùng kỳ năm 2023.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì đà phục hồi

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp duy trì đà tăng trưởng. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 tăng 7,54% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn mức tăng 8,32% của cùng kỳ năm 2022 trong giai đoạn 2020-2024, đóng góp 2,44 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

Ngành công nghiệp chủ lực chế biến, chế tạo vẫn là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng bứt phá 8,67%, đóng góp 2,14 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 13,26%, đóng góp 0,5 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,13%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm. Riêng ngành khai khoáng giảm 7,22%, làm giảm 0,24 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Chỉ số sản xuất (IIP) 6 tháng đầu năm 2024 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 29,0%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 19,8%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 18,5%; sản xuất thiết bị điện tăng 17,8%...

Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 56 địa phương và giảm ở 7 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành xây dựng cũng tăng ấn tượng 7,34% trong 6 tháng đầu năm nay. Đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2020-2024, đóng góp 0,48 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Việc đẩy mạnh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công cùng với đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài đã có tác động lan tỏa tích cực, thúc đẩy hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng cơ sở hạ tầng.
 
Những chấm phá đậm nét trong bức tranh kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 1
Sức khỏe doanh nghiệp tiếp tục phục hồi

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, cả nước có gần 80,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 744,2 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 512 nghìn lao động, tăng 6,1% về số doanh nghiệp, tăng 5,2% về vốn đăng ký và tăng 0,4% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 9,2 tỷ đồng, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Bên cạnh đó, cả nước có hơn 39,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2023), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2024 lên gần 119,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân một tháng có 19,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Theo khu vực kinh tế, 6 tháng đầu năm 2024 có 781 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước; 19 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 5,3%; 60,7 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, tăng 6,4%.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2024, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 71,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước; gần 28,8 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 7,3%; 10,2 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15,4%. Bình quân một tháng có gần 18,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Xuất khẩu tiếp tục xu hướng tăng mạnh trong bối cảnh thương mại toàn cầu gặp nhiều khó khăn

Với sự quyết liệt của Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương và sự quyết tâm của doanh nghiệp đã tận dụng các cơ hội của các hiệp định thương mại tự do, tăng cường việc xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm của Việt Nam ra thị trường quốc tế, đồng thời khẳng định chất lượng hàng hóa của Việt Nam trên thị trường thế giới, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng đạt kết quả tích cực.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 368,5 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 190,1 tỷ USD, tăng 14,5%; kim ngạch nhập khẩu đạt 178,45 tỷ USD, tăng 17%, phản ánh tín hiệu tốt hoạt động sản xuất trong nước phục hồi so với năm trước (6 tháng đầu năm 2023 giảm 18%). Nhìn lại có thể thấy kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu 6 tháng đầu năm nay đạt cao so với 6 tháng đầu năm các năm 2020-2024.

Xét theo loại hình kinh tế, khu vực kinh tế nước ngoài duy trì vai trò dẫn dắt với tỷ trọng xuất khẩu và  nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2024 lần lượt đạt 71,9% và 63,2%. Kim ngạch xuất khẩu của khu vực này tăng 12,3%; ở chiều ngược lại, nhập khẩu tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Khu vực kinh tế trong nước cũng có sự phục hồi khá, với kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng 20,7% so với cùng kỳ 2023, cao hơn mức tăng chung 6,2 điểm phần trăm (tăng chung 14,5%) và cao hơn 8,4 điểm phần trăm mức tăng của khu vực kinh tế nước ngoài (12,3%). Kim ngạch nhập khẩu tăng 22,3% so với cùng kỳ 2023, cao hơn 5,3 điểm phần trăm mức tăng chung (17,0%) và cao hơn 8,3 điểm phần trăm mức tăng của khu vực đầu tư nước ngoài (14,1%).
 
Những chấm phá đậm nét trong bức tranh kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 2
Trong tổng số 45 mặt hàng xuất khẩu chính, 6 tháng đầu năm 2024 có đến 38/45 (đạt 84,4%) nhóm hàng tăng so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm đến 91,9% tổng trị giá mặt hàng xuất khẩu. Trong đó, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, như: Điện tử máy tính và linh kiện tăng 28,6%; Điện thoại các loại và linh kiện 11,3%; Máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng 16,2%. Một số mặt hàng xuất khẩu nông lâm sản có lợi thế của Việt Nam tăng so với cùng kỳ năm 2023, như: Cà phê tăng 34,5%; Thủy sản 4,9%; Rau quả tăng 28,2%; Gạo tăng 32%... cho thấy sự chuyển biến tích cực của nhu cầu tại các nền kinh tế đối tác lớn của Việt Nam.

Trong 6 tháng đầu năm 2024 có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 65,6%).

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 54,3 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 67 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 47,2 tỷ USD, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 17 tỷ USD, tăng 18,5%; xuất siêu sang Nhật Bản 952 triệu USD, tăng 2,8%; nhập siêu từ Trung Quốc 39,2 tỷ USD, tăng 67,9%; nhập siêu từ Hàn Quốc 14 tỷ USD, tăng 4,9%; nhập siêu từ ASEAN 4,4 tỷ USD, tăng 9,8%.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 11,6 tỷ USD, đây là mức xuất siêu khá tích cực và là năm thứ hai đạt giá trị xuất siêu lớn trong giai đoạn (2020-2024). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,35 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 23,98 tỷ USD.

Lượng khách quốc tế tăng cao

Một trong những điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 là lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao so với cùng kỳ năm trước nhờ chính sách thị thực thuận lợi, chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được các địa phương trên cả nước đẩy mạnh.

6 tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 8,8 triệu lượt người, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Từ đó đã tác động lan tỏa tích cực đến các ngành dịch vụ lưu trú; ăn uống; vận tải và dịch vụ du lịch lữ hành, đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.098,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tổng số 8,8 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam 6 tháng đầu năm nay, khách đến bằng đường hàng không đạt 7,4 triệu lượt người, chiếm 83,8% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và tăng 51,6% so với cùng kỳ năm trước; bằng đường bộ đạt gần 1,3 triệu lượt người, chiếm 14,3% và tăng 99,0%; bằng đường biển đạt 164,9 nghìn lượt người, chiếm 1,9% và tăng 199,5%.
 
Những chấm phá đậm nét trong bức tranh kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 3
Kinh tế vĩ mô ổn định nhờ các yếu tố tích cực

6 tháng đầu năm 2024, mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay duy trì xu hướng giảm, tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; hoạt động kinh doanh bảo hiểm ổn định, thị trường chứng khoán duy trì xu hướng tăng trưởng theo đà phục hồi của nền kinh tế. Tính đến thời điểm 24/6/2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 1,50% so với cuối năm 2023; tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,45%.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp, điều hành hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ; đồng thời chỉ đạo tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Tín dụng tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống và tập trung vào các động lực tăng trưởng kinh tế, đáp ứng xu hướng mới như tín dụng xanh, đồng hành cùng quá trình thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050...

Tỷ giá trung tâm được điều hành linh hoạt, phù hợp, đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Lạm phát phù hợp, nằm trong mục tiêu Quốc hội đề ra. Bình quân 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức lạm phát phù hợp để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nằm trong mục tiêu Quốc hội đề ra cho năm nay từ 4-4,5%. Để đạt mức mục tiêu 4,5% của cả năm 2024 thì dư địa cho bình quân 6 tháng cuối năm là 4,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng cục Thống kê dự báo có một số yếu tố thuận lợi cho việc kiềm chế lạm phát trong thời gian tới. Cụ thể, lạm phát toàn cầu đang tiếp tục xu hướng hạ nhiệt giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu lạm phát. Các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất 6 tháng cuối năm góp phần giảm chi phí sản xuất, giảm giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Với nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào, Việt Nam tránh được rủi ro, thách thức về an ninh lương thực đang có khả năng xảy ra ở nhiều nước trên thế giới. Ngoài ra, với kinh nghiệm điều hành giá, sự chỉ đạo quyết liệt, phản ứng kịp thời của Chính phủ sẽ giúp hạn chế tác động cộng hưởng của việc điều chỉnh giá lên lạm phát, ổn định tâm lý kỳ vọng lạm phát. Do đó, khả năng thực hiện đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát mà Quốc hội đề ra cho năm nay là khả thi.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt mức cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/6/2024 (bao gồm: vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt gần 15,19 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đăng ký cấp mới có 1.538 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 9,54 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 46,9% về số vốn đăng ký, tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, hoạt động kinh doanh bất động sản. Trong số 57 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024, Xin-ga-po là nhà đầu tư lớn nhất với 4,01 tỷ USD, chiếm 42,1% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc), Trung Quốc, Nhật Bản...

Đáng chú ý là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua. Trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 8,6 tỷ USD, chiếm 79,3% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1 tỷ USD, chiếm 9,3%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 418 triệu USD, chiếm 3,9%.

Tình hình lao động việc làm có nhiều điểm tích cực

Cũng theo Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,5 triệu người, tăng 196,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Lao động có việc làm là 51,4 triệu người, tăng 195,7 nghìn người so với cùng kỳ năm 2023.  Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là 28%, tăng 1,4 điểm phần trăm, điều này cho thấy chất lượng nguồn lao động đang dần được nâng cao. Thu nhập bình quân của người lao động là 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 7,4%, tương ứng tăng 519 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Lao động làm việc trong một số ngành kinh tế ghi nhận tốc độ tăng thu nhập bình quân khá so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; hoạt động kinh doanh bất động sản; khai khoáng…

Đời sống dân cư được cải thiện, giáo dục và đào tạo được quan tâm

Tình hình đời sống dân cư trong 6 tháng đầu năm nay được cải thiện hơn. Theo kết quả sơ bộ Khảo sát Mức sống dân cư 2024, ước tính thu nhập bình quân đầu người 1 tháng trong 6 tháng đầu năm nay ước đạt 5,3 triệu đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Công tác bảo đảm an sinh xã hội luôn được các cấp, ngành thực hiện kịp thời, hiệu quả. Theo báo cáo từ địa phương, trong 6 tháng đầu năm nay (tính đến ngày 19/6/2024), lãnh đạo trung ương và địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, các nhà hảo tâm cũng đã tổ chức thăm hỏi, động viên và tặng quà cho nhiều đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 là 11,7 nghìn tỷ đồng; hộ nghèo, hộ cận nghèo là hơn 3 nghìn tỷ đồng; người có công, thân nhân người có công với cách mạng là 16,5 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ đột xuất, bất thường phát sinh tại địa phương là gần 70,1 tỷ đồng. Ngoài ra, bảo hiểm xã hội đã cấp phát hơn 26,2 triệu thẻ BHYT/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí cho các đối tượng thụ hưởng.

Theo thông tin từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 6 tháng đầu năm nay, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã hỗ trợ cho người dân gần 21,3 nghìn tấn gạo.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 5/2024, cả nước có 6.370/8.167 xã (78%) đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó 1.874 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 347 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân cả nước đạt 17,1 tiêu chí/xã; có 284 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (chiếm 44% số huyện cả nước) hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 03 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 22 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Năm 2024 được xác định có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lộ trình đổi mới giáo dục, chuẩn bị các điều kiện để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với ba khối lớp cuối cùng của hệ thống giáo dục phổ thông gồm khối lớp 5, lớp 9 và lớp 12 từ năm học 2024-2025 đảm bảo chất lượng, tiến độ theo Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21/11/2017 của Quốc hội.

Theo số liệu ước tính của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến 20/6/2024, cả nước có gần 15.300 trường mầm non, giảm 0,04% so với năm học 2022-2023, có 365,2 nghìn giáo viên mầm non, tăng 2,8% và 4,85 triệu trẻ em đi học mầm non, giảm 3,4%. Cả nước có 25.901 trường phổ thông. Tổng số giáo viên phổ thông trực tiếp giảng dạy là 829,9 nghìn thầy cô, tăng 2,7%. Tổng số học sinh phổ thông toàn quốc là 18,4 triệu học sinh, tăng 1,6%.
 
Những chấm phá đậm nét trong bức tranh kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 4
Kinh tế Việt Nam năm 2024 đã đi được một nửa chặng đường với nhiều mảng sáng đậm nét
Vẫn có những mảng tối đan xen

Dù sản xuất công nghiệp tăng khá nhưng kết quả đạt được trên nền sản xuất 6 tháng đầu năm 2023 giảm (6 tháng đầu năm 2023 giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước). So sánh với các năm trước đó thì tốc độ tăng 6 tháng đầu năm nay chỉ cao hơn năm 2020 nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng 6 tháng đầu năm 2021, 2022, cho thấy ngành công nghiệp chưa thể hoàn toàn phục hồi như trước dịch Covid-19.

Nội lực của nền kinh tế chưa mạnh, các doanh nghiệp sản xuất chế biến, chế tạo tuy tăng trưởng tốt nhưng mức độ bền vững còn hạn chế và chưa đồng đều giữa các ngành; khó khăn trong sản xuất còn tiềm ẩn do cầu trong nước và quốc tế chưa khôi phục hoàn toàn; các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay để phục vụ sản xuất kinh doanh.

Một số ngành trong trong ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn gặp khó khăn hoặc dấu hiệu phục hồi chưa thực sự rõ nét, chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất ô tô và xe có động cơ giảm 5,5%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 3%; sản xuất xi măng, vôi, thạch cao giảm 2%; sản xuất bia và mạch nha ủ men bia giảm 3,9%.

Tuy sức khỏe doanh nghiệp có sự phục hồi song vẫn còn 71,4 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước; gần 28,8 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 7,3%; 10,2 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15,4%. Bình quân một tháng có gần 18,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Ngoài khó khăn từ môi trường kinh doanh bên ngoài, các doanh nghiệp còn đối mặt với những vấn đề nội tại như quy mô và "tuổi thọ" giảm, năng lực cạnh tranh yếu kém, và khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn và thị trường.

Bên cạnh đó, thị trường lao động cũng bộc lộ những hạn chế. Đó là, vẫn có khoảng hơn 70% lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên, phản ánh chất lượng cung lao động vẫn còn bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập.

Thị trường lao động chưa có sự cải thiện nhiều về chất lượng lao động khi số lao động phi chính thức làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định vẫn chiếm tỷ trọng lớn, khoảng hơn 3/5 tổng số lao động có việc làm của cả nước.

Tình hình thất nghiệp 6 tháng đầu năm nay chưa có sự cải thiện khi tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động 6 tháng đầu năm 2024 là 2,27%, không đổi so với cùng kỳ năm trước. Điều đáng nói là tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) 6 tháng đầu năm 2024 vẫn duy trì ở mức cao là 8%. Hơn nữa, số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 940,5 nghìn người, tăng 27,3 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là 4,3%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ.

Kinh tế Việt Nam năm 2024 đã đi được một nửa chặng đường với nhiều mảng sáng đậm nét đan xen cùng một số mảng tối. 6 tháng cuối năm 2024, kinh tế - xã hội Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, dễ chịu tác động trước những rủi ro, bất ổn của kinh tế thế giới. Hy vọng, Chính phủ Việt Nam tiếp tục có chính sách điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 6,0-6,5% của năm 2024./.
Bích Ngọc - Tạp chí Con số & Sự kiện
THÔNG BÁO
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1